nhìn ra ngoài bầu trời đang đen dần. Bữa cơm hồi chiều tôi ăn được lưng
một bát, còn má tôi ăn xong một bát thì lại khóc, những giọt nước mắt lăn
xuống bát cơm và má tôi vội vàng bỏ đũa.
Hai chiếc hầm nổi đầy nhóc người, không có chỗ cựa quậy nữa. Tôi
muốn qua bên o U ngủ nhờ, nhưng không dám bước ra sân. May quá, Hiền
gõ cửa và gọi. Tôi theo Hiền qua nhà bên cạnh. Hiền là một sinh viên mỹ
thuật, bà con bên ngoại của Thái. Căn nhà của Hiền ở khuất mặt đường hơn
và đã đào được cái hầm sâu xuống nhà khá rộng. Hiền đốt ngọn đèn chỉ cho
tôi coi mấy bức tranh mới vẽ. Nhưng tôi chả thưởng thức được gì, chả nhận
được gì, đầu óc tôi căng thẳng tột độ. Tôi đang lo sợ nay mai tiếng súng sẽ
tới đây, và chắc chúng tôi không còn sức để chạy nữa.
Hiền nói:
- Có mấy thanh niên tìm chị, họ hỏi em mà không biết ý chị ra răng!
Tôi mỉm cười: Thôi, em tha cho chị, bây giờ mặt mũi chị thế này, quần
áo rách bươm thế này. Để một dịp khác, nếu còn được sống. Thủy Dương
Hạ là nơi chị ghi ơn trong những ngày chạy loạn. Tôi nhớ tới những hột vịt
lộn Hiền bỏ trong túi giấm dúi đưa cho tôi ăn, tôi nhớ một vài khuôn mặt
trẻ nhìn tôi nửa thương hại nửa buồn cười. Phải, tôi buồn cười lắm. Nhưng
điều đó đâu có quan trọng gì, miễn là tôi sống được.
Đêm đó, tôi không nằm hầm mà nằm nơi chiếc giường rộng với o U, với
cô con dâu của o U và đứa cháu nhỏ. Trời lạnh buốt, tôi trùm chăn kín đầu.
Chiếc áo măng tô của ba tôi, tôi vẫn mang kè kè bên mình, kể cả lúc ngủ.
Thôn xóm im vắng một cách khác thường, không có cả tiếng chó sủa.
Không có một tiếng súng nhỏ. Chỉ có tiếng đại bác trên ngọn đồi nhỏ bắn
đi đều đều và tiếng ình ình một nơi xa vọng lại. Nơi xa đó là thành phố
Huế, là Thành Nội, Từ Đàm, An Cựu, Nam Giao... Mỗi tiếng ình như xoáy
tim tôi, tôi biết rằng, khi tôi được nằm yên ổn ở nơi đây thì trong thành phố