tôi cũng chui vào hầm thật sớm. Qua đêm thứ hai thì mấy tiếng nổ tiếp nữa,
cầu vực hư hại hoàn toàn. Ban ngày Mỹ lên làm cầu, nhưng ban đêm thì họ
rút về hết, nhường phần cho mấy anh giải phóng. Đến ngày sau nữa thì
trong làng đã có vài nhà bị trúng đạn đại bác. Sáng nào cũng nghe người ta
bàn tán xôn xao về những trái đại bác bắn ra ngoài sông, rơi vào nhà dân
cư. Một hai nhà đã bị trọn. Ban đêm các anh giải phóng về lục soát bắt dân.
Phía cầu vực đã bị chận lại, lính canh gác không cho dân đi về Phù Lương
nữa. Chúng tôi bị kẹt ở Thủy Dương Hạ và lại chờ đợi sự rủi may.
Một vài người trên Huế tản cư về cho biết là ở An Cựu đã được giải tỏa.
Quân Mỹ và lính quốc gia đã chiếm đóng, làm chủ hoàn toàn. Vài người trở
lên để chở của nhưng họ trở về khóc lóc thảm thiết. Nhà cửa nào không bị
sập thì cửa đã bị mở tan hoang và đồ đạc không còn gì hết. Cầu An Cựu đã
bị giật sập ngay khoảng giữa, sự qua lại hết sức khó khăn. Má tôi hỏi thăm
kỹ càng lắm, họ cho biết tuy đã giải tỏa được, nhưng lính quốc gia và Mỹ
chỉ lên có ban ngày, ban đêm rút trở lại Phú Bài hết. Trong làng lại có tin
giặc sắp tới đây, ở trên phố thua, thế nào họ cũng rút về quê. Người ta sửa
soạn để tản cư. Má tôi và Thái quyết định trở lại An Cựu.
Mấy ngày liền, tôi nhìn thấy những đoàn xe chở đầy xác chết và binh sĩ
bị thương chạy trở về, qua làng. Nhưng người ta vẫn ùn ùn kéo nhau trở lại
Huế.
Nhưng đồng thời, cũng có đoàn người ùn ùn từ Huế kéo về. Kẻ chạy lên,
người chạy xuống. Má tôi cho Thái đi dò đường trước. Nó đi khoảng chừng
nửa buổi thì trở về:
- Nhiều người về An Cựu rồi bác. Mình về đi.
Vậy là chúng tôi sửa soạn lên An Cựu. Má tôi dặn dò cậu Giáo nếu ở đây
đại bác dữ quá thì lên trên đó. Mợ Giáo chia thêm cho má tôi ít gạo: Dù
răng đi nữa ở dưới ni cũng còn có thóc, giã ra mà ăn, trên nớ kẹt là chết đói.
Mợ Giáo, cậu Giáo và cả nhà đưa chúng tôi ra một khoảng đường rồi mới