nguyện ở lại để cầu kinh. Căn nhà thờ chứ không phải là nơi để ở nên thiếu
thốn đủ thứ. Chúng tôi phải nạy cửa nhà ngang, xuống căn nhà phụ cho ông
giáo Trường An Cựu thuê, vợ chồng họ về quê ăn Tết, để lấy chén bát và
tìm đồ gia vị như nước mắm, muối ớt. Khổ là vì không định ở đây, chúng
tôi không tích trữ gạo. Lúc này đã không còn nghe tiếng súng, hoặc có thì
cũng chỉ là tiếng súng nhỏ vọng xa xa, ở một miệt nào đó. Như thế là nghĩa
lý gì? Không có một chiếc máy bay, không có một chiếc xe chạy.
Ðoàn xe Mỹ đã vào tới thành phố tan biến đi ngả nào. Những Việt cộng
vừa tụ họp tại nghẹo Hàng Xay bỗng tản đi đâu hết. Tại sao chú tôi ở xóm
trên chỉ cách một con đường rầy, mấy cái vườn, cũng không xuống được.
Lâu lâu lại thấy một đoàn người đi đâu ngoài đường phía dưới quốc lộ, vào
thành phố. Căn nhà thờ của chúng tôi nằm ở An Cựu, sát ngoại ô, lại ngay
đường quốc lộ nối Phú Bài với Huế.
Trong thành phố Huế lúc này ra sao, chúng tôi không tài nào đoán nổi.
Cả nhà hợp nhau lại sửa căn hầm cũ dưới nhà bếp. Tiếng súng càng về
chiều càng dữ dội. Ngoài đường bỗng vắng tanh. Ở nhà bếp, nhà trên, dân
trong xóm đến tỵ nạn nằm la liệt mấy căn buồng nhỏ được che hai ba mặt
tường. Má tôi sai đứa cháu dâu nhóm bếp nấu một nồi cháo, chắc chẳng ai
còn lòng dạ nào ngồi ăn cơm chiều. Nhưng nồi cháo nấu vừa chín tới thì
Thái đã nhìn thấy có người đi lại ở ngoài đường. Mặc kệ tiếng súng đang
nổ ran mọi phía, mặc kệ bom đạn có thể nổ ngay trên đầu mình, cả nhà
chúng tôi tràn ra sân, rồi ra đường cái. Một hai người đạp xe từ phía cầu An
Cựu đi lui đi tới, Thái vẫy lại hỏi: “Ngoài nớ có ai đi không?” “Người ta
tản cư qua bên sông hết.” Má tôi la lớn:
- Lên Bến Ngự Từ Ðàm được không?
- Chắc được.
Nghe tiếng “chắc được” thôi mà cả gia đình tôi cũng tràn trề hy vọng.
Mấy đứa cháu giục phải di tản qua bên kia sông hoặc lên Từ Ðàm chứ ở