đây chắc chết hết. Việt cộng đã về đóng kín hết mọi nhà, mọi đường phố.
Nhà chúng tôi lại nằm ngay giữa hai cái đồn và ngọn đồi Thánh Giá nằm
ngay phía đàng sau lưng. Nếu xáp lá cà ở đây một trận chắc cả làng An
Cựu ra tro hết. Má tôi vơ vội một ít quần áo của ba tôi những thứ còn bỏ
lại, không đem liệm cho người chết. Bà gói lại cẩn thận. Gia đình mấy đứa
em họ tôi thì lo gánh gạo, quần áo, nồi chảo và những dụng cụ cần thiết.
Tôi xách cái ví tay, cái xách nhỏ. Anh tôi dắt chiếc Honda chở em gái tôi
với hai đứa cháu đi trước. Tới gần cầu An Cựu, má tôi nói anh cứ đi trước
đi, chở con và em lên rồi trở lại đón từng người bằng xe cho mau. Thái lấy
chiếc xe đạp tìm đường sang phố. Chúng tôi chia tay ở trước đồn vận tải.
Từng đoàn người cắm cúi lật đật, bồng bế, xách gói chạy qua phía cầu.
Chúng tôi theo họ nhưng tới cầu cả bọn không được đi về phía Tân Lăng,
Phú Cam mà cứ bị xua lại cầu. Lúc chúng tôi chạy tới, một trong hai người
đàn ông gác cầu đưa tay chận lại:
- Ði đâu, bà con ai ở yên trong nhà, không được chạy.
Tôi đứng sững đàng sau lưng má tôi. Hai người đàn ông mặc quần áo ka
ki vàng, nhưng chân đi dép. Không phải là lính quốc gia rồi; chắc họ là
quân giải phóng. Tôi nhìn sững họ không nói được một câu, miệng tôi cứng
lại. Má tôi nói như muốn khóc:
- Nhà cửa sập rồi mấy ông ơi, còn chi mà ở. Tui sang nhà bà con bên kia
sông.
Lúc đó tôi không còn thấy bóng em tôi chở em gái và cháu tôi đâu nữa.
Tôi nghĩ là anh đã đi thoát rồi. Hai người lính vẫy cho chúng tôi qua cầu.
Mấy vũng máu đọng giữa cầu chưa khô, ruồi nhặng bu đen xì. Chỉ một
đoạn đường ngắn mà tôi nhìn thấy biết bao nhiêu dép, giày vớ, quần áo
rách, bị rết, ba lô văng bừa bãi, dính lẫn với máu và những mảnh thịt.
Má tôi bảo qua cầu rồi cứ đi dọc bờ sông tìm đường lên căn nhà ở Từ
Ðàm. Nhưng đi được một đoạn, chúng tôi thấy những người đi trước lúp