không chiếc nào dừng lại. Rồi tới mười giờ, những người lính biệt động
quân, nhảy dù, từ dưới Phú Bài đi bộ lên. Không có phương tiện nào nữa,
mấy người bị thương đã chết. Hai căn nhà hoàn toàn hư hại, mái tôn của
nhà trúng đạn văng tuốt ra tận sau đường rầy. Rồi đêm hôm sau lại nổ nữa,
lần này xa hơn một chút, và sáng hôm sau, vợ chồng Bé hớt hơ hớt hải bế
bồng nhau xuống nhà chúng tôi:
- Không ở được rồi. Lính mình ở Sài Gòn ra, đánh lớn lắm. Đang chiếm
lại nhà bưu điện. Dân dồn về hết nơi trường kiểu mẫu. Đêm qua bom chơm
rơi trên xóm con, mấy cái nhà nữa bị sập.”
Má tôi thở dài. Thái lo lắng:
- Có ai bị thương không?
- Không, may người ta đều ở hầm hết. Đêm qua anh tưởng nguy rồi chớ.
Và không đợi hỏi ý kiến ai, vợ chồng Bé, Thu cùng mấy đứa nhỏ gồng
gánh, bồng bế đưa nhau về Phù Lương.
Má tôi thấy tình hình gay go quá, nửa muốn đi nửa muốn không. Má tôi
vẫn ngóng đợi tin tức ở Nam Giao, Từ Đàm. Nhưng có được chút tin tức
nào thì chỉ toàn là những tin tức làm chúng tôi thêm tuyệt vọng.
Trong những ngày trước, dân chúng Huế chết vì đại bác, vì bom máy
bay, vì bị đấu tố, điểm chỉ. Chúng tôi ở An Cựu, coi như giáp với ngoại ô
thành phố, có chạy loạn thì cũng chạy vì sợ bị Việt cộng bắt, hoặc bị trúng
đạn chết oan. Nhưng lần này, ác chiến đã diễn ra khắp cùng thành phố. Một
vài nơi quân quốc gia đã chiếm lại được, những lá cờ giải phóng đã được
gỡ xuống. Ở đồn Trường Bia đã thấy thấp thoáng lính ra vào, nhưng ở đồn
vận tải vẫn bỏ không. Cầu An Cựu ban ngày được Mỹ lên canh gác và sửa
chữa. Phải nối xong mấy cái cầu, quân đội mới dàn qua bên phố được. Phía
bên hữu ngạn mới chỉ yên ổn có mấy vùng. Tin tức đưa về thành nội, phố