những tốp người tiếp tục chạy ra. Họ vừa chạy vừa la khóc rền trời. Không
ai hỏi ai, không ai nhìn ai.
Ngay giữa đường, hai bên đường, những miệng hố lớn do người đào, do
bom đạn đào cũng có. Vừa chạy tới đường Mai Thúc Loan thì một loạt
súng nhỏ ngoài thành bắn vào như mưa. Ðoàn người chạy đằng trước có
vài người ngã xuống. Tức thì họ quay đầu trở lại, một đàn ong tan bầy. Tôi
vội kéo mọi người chạy trốn vào một căn nhà đổ nát ngay lề đường. Nhà đã
sập, chỉ còn mấy bức tường trơ vơ. Chúng tôi chui vào đàng sau bức tường,
leo qua đống gạch lớn. Nhà này có một cái hầm cát nhưng hầm cũng bị
trúng đại bác tan tành, bao cát vỡ tứ tung, các cây gỗ gẫy văng la liệt. Và
giữa những bao cát bị đào lên, giữa những thanh gỗ lớn, xác một người Mỹ
nằm sấp, mặt nhìn ra ngoài đường. Tay anh ta đưa ra trước mặt và nắm chặt
lại. Tôi tò mò nhìn kỹ, thì ra đó là một bức ảnh nhỏ in hình một người đàn
bà tây phương đang áp má bên một đứa bé gái bụ mẫm. Cả hai mẹ con
cùng cười, tươi thắm giữa vườn cây trái tươi tốt. Người Mỹ còn trẻ lắm,
anh ta chưa tới ba mươi tuổi, mái tóc vàng hoe dính bê bết máu. Xung
quanh xác chết của anh ta, chiếc ví da xổ tung, giấy tờ, thư từ rơi vung vãi
cùng chiếc bật lửa và những giây đạn còn mới nguyên, bị đứt ra từng đoạn.
Tam tò mò hơn, nó nhìn sát vào tay người Mỹ và đọc được giòng chữ nhỏ
đằng sau bức ảnh. Hắn lẩm nhẩm: Lạy Chúa, cho con gửi lời cầu xin năm
mới sang Việt Nam cho chồng con. Chiến tranh chấm dứt và gia đình đoàn
tụ. Lẫn trong đống thư từ rơi vãi, Tam lượm được một chiếc ảnh nữa, cũng
người đàn bà, gần như không có mảnh vải che thân đang nằm sấp trên chiếc
giường rộng trống trải với một lời đề đằng sau, tả nỗi nhớ chồng thê thiết.
Không biết ngày thứ mười mấy hay hai mươi mấy mà người Mỹ đã vào
được tới đây. Có lẽ họ đã đến và bị đẩy lui. May mà chúng tôi đã tìm ra tới
được đây. Khi chúng tôi ra tới đường, hình như nơi con đường chúng tôi ở
không còn một gia đình nào nữa. Họ đã chết hoặc đi từ lâu rồi. Hường ngồi
ủ rũ dựa lưng vào đống gạch, nó giơ tay che mắt không dám nhìn xác chết.