- Ừ yên.
Tôi không nỡ kể cho em tôi nghe về những trái đại bác câu lạc lúc gần
sáng. Tôi cũng dấu luôn chuyện đụng độ mỗi ngày xảy ra trên quốc lộ. Chỉ
cần sau ruộng, sau xóm có một vài phát AK, hay vài quả B40 bắn ra là cả
con đường này có thể tan tành hết. Ngay ngày đầu tiên nổ súng, quân Mỹ
cũng lên được tới An Cựu coi tình hình để rồi sau đó về nằm yên một nơi
cho Việt cộng hoành hành. Khi đi ngang qua khỏi nghẹo, một phát súng ở
đâu phía sau Miểu Đại Càng bắn ra. Đoàn quân Mỹ dừng lại, một vài người
Mỹ đi vào nhà gần nhất lôi ra một thanh niên. Anh này biết nói tiếng Anh,
là một giáo sinh trường sư phạm Quy Nhơn về thăm nhà. Anh đưa giấy tờ,
nói chuyện với người Mỹ. Nhưng họ đâu cần biết. Một phát súng nổ, người
thanh niên tội nghiệp ngã xuống đất, co dúm người lại. Người Mỹ leo lên
xe lái về Phú Bài. Trong căn nhà gần đó, mọi người đổ túa ra ôm lấy xác
thanh niên khóc lóc. Một vài anh giải phóng đang đóng quân trong những
nhà mặt sau tiến ra:
- Đả đảo quân Mỹ tàn ác giết dân.
- Chúng tôi xin chia buồn. Đây là một cái chết anh dũng, một người vì
dân vì nước.”
Một lá cờ màu mạ nhỏ được đắp lên mặt người chết. Một lúc sau mọi
người rút đi hết. Chỉ còn thân nhân của xác chết vẫn chưa ngớt gào khóc,
nhưng rồi tiếng khóc của họ cũng chìm dần trong tiếng súng nổ ran bốn
phía. Còn nhiều nữa, làm sao tôi có thể kể cho em tôi nghe hết. Mới mấy
ngày trước đây, quân Mỹ mất một khẩu súng đã giật đổ một căn nhà lầu.
Mới mấy ngày trước đây, dãy nhà bên kia đường có một gia đình mới về.
Đêm hôm đó quân giải phóng về bắt người chủ gia đình đi mất. Người này
làm gác dan hay giữ xe gì đó cho một chi nhánh cảnh sát. Ông ta đã già và
chắc tới nay đã ra người thiên cổ. Hà vẫn đi bên tôi trở vào nhà. Nó hỏi:
- Nhà mình đào hầm chưa?