Chiều hôm sau, ở Từ Ðàm lại kéo xuống thêm mấy gia đình nữa, trong
đó có gia đình một ông thầy cũ của tôi, và những người con cũng đã đi dạy
học, những đứa cháu nhỏ. Anh Lễ đón họ vào nhà, người nào cũng đi chân
đất, chạy tơi tả. Chúng tôi được biết thêm là sau khi anh tôi trốn thoát, Việt
cộng lại về bắt một số thanh niên. Khéo trốn lắm mới thoát được. Ôn Minh
hình như cũng bị họ giữ lại. Hà kêu lên thảng thốt: Ôn Minh mà cũng bị bắt
hả?
Thầy Liên, thầy giáo cũ của tôi, đã già, lắc đầu tuyệt vọng:
- Tối qua họ còn bắn mấy thanh niên gần nơi trường học.
Má tôi hỏi:
- Trên nớ đã ngớt súng chưa?
- Ôi, như mưa rào, càng ngày càng dữ. Chúng tôi liều chết để đi. Lạy
Trời lạy Phật, về đây mới biết là sống.
Ngôi nhà chúng tôi bỗng đông vui hẳn. Ngay sáng hôm sau, mọi người
lo làm hầm. Cứ mỗi gia đình một góc sân, tất cả các thứ gì còn lại trong
nhà có thể giở ra làm hầm được, họ đều trưng dụng. Nhưng chúng tôi
không phiền hà gì, nếu phải tháo cả chiếc nhà ra để làm thêm một cái hầm
nữa, chắc ai nấy cũng hết sức vui vẻ.
Các nhà bên cạnh cũng lục đục kéo nhau về, làm hầm phòng đại bác.
Chợ nhỏ họp ở trước con đường dẫn vào Trường Bia. Một vài quán ăn đã
mở. Sức sống vun trồng thật nhanh, vừa mới mấy ngày, nhà cửa, làng xóm
đìu hiu như không bao giờ còn có hơi thở nữa. Vậy mà chỉ qua hai ba ngày
sau, dân chúng trở về. Ở đâu có người, có hơi thở là có quán, có khói, có
bữa cơm. Nhưng cũng thê thảm lắm, cạnh đó, cách chừng một cây số, hai
cây số, máu vẫn tiếp tục chảy. Buổi sáng đoàn lính biệt động, nhảy dù, thủy
quân lục chiến vừa đi ngang qua quốc lộ, nét mặt còn đỏ hồng máu, buổi
chiều, xác họ đã được khiêng trở về con đường cũ.