để dành. Không hiểu căn cứ vào đâu mà má tôi tin là ông Minh sẽ bình yên
vô sự.
Tôi thì tôi không tin được như thế. Có thể ông đã bị bắt đi như những lời
đồn. Ông bị bắt đi cùng thầy Ðôn Hậu. Như vậy, có thể ông không bị giết.
Có được không? Nhưng tôi vẫn nghi ngại lắm. Hai đứa bé con lai Mỹ thì
tội tình gì? Một nhà sư như thầy Ðôn Hậu, một hướng đạo, một chiến sĩ
như ông Võ Thành Minh. Trời ơi, sao giữa tiếng súng, giữa cảnh máu me,
giữa bao nhiêu người chết oan ức, tôi lại cứ thắc mắc những điều như thế.
Ðiều cần thiết là tôi phải làm sao để thoát khỏi Huế, để sống được, để trở
về trông thấy các con tôi, gặp mặt chồng tôi. Tôi sẽ ra đi dù để lại Huế quay
quắt, tan tành, đổ nát. Ðể lại má tôi, anh tôi, em gái, các cháu, bà con giòng
họ. Có thể ở lại thêm một đêm, đến lượt tôi cũng sẽ bị bắt. Tiếng cú rúc,
tiếng báo hiệu của tử thần vẫn còn mỗi đêm, khi xa khi gần. Tôi đem những
điều suy nghĩ trên nói với anh tôi. Anh tôi cũng khuyên:
- Tìm được phương tiện, em nên đi ngay, đừng chần chờ. Về được tới
đây, anh cảm thấy nhà mình đã yên tâm hơn rồi.
Nhìn thấy điều gì mà anh tôi dám quả quyết như vậy? Tôi nhìn lên bàn
thờ ba tôi. Chị dâu tôi đã đốt hai ngọn nến, thắp một cây nhang lớn. Mùi
hương thơm phức. Trong thành phố này, bao nhiêu ngôi mộ đang lạnh lẽo,
đang vời nuối khói hương. Ba ơi, ba vẫn may mắn. Ðiều đó làm cho anh
con tin tưởng phải không ba? Nếu ba gắng gượng sống thêm vài ngày nữa.
Chuyện gì sẽ xảy ra cho ba? Tôi không dám nghĩ tiếp nữa. Huế ơi, một
ngày tôi về chịu tang cha, chịu tang thêm cho cả thành phố. Trong biến cố
này, bao bạn bè tôi lớp cũ đã ra đi. Ngôi trường Ðồng Khánh thân yêu, nơi
dung dưỡng tuổi thơ ấu, tuổi lớn lên của tôi đã đổ nát tới chừng nào?
Những cây phượng, những hốc cây đầy kỷ niệm nữa, sao tôi vẫn có cảm
tưởng như những hốc cây kỷ niệm của tôi nơi sân trường đang ứa đầy máu.
Tôi muốn được trông lại dòng Chúa Cứu Thế, nơi tôi đã tránh nạn những
ngày đầu tiên, muốn ghé lại cung An Ðịnh, xem đống gạch đã khổng lồ như