Một giọng nói xì xầm, không chút xót thương người mà gần như còn
mừng cho mình kiếm được chỗ tốt hơn. Tôi âm thầm cầu nguyện, năn nỉ
bom đạn ngoài kia, xin ngừng lại một lúc cho người đàn bà qua cơn hoạn
nạn.
Trên căn gác lửng, tiếng rên la của người đàn bà bắt đầu thảm thiết hơn,
rền rĩ hơn. Con Thu bạo dạn nghểnh đầu nghe ngóng, nó phê một câu:
- Chị ơi, cái bà ni không biết dị chi hết. Ðẻ mà la quá trời...
Con Thu chưa làm mẹ, nó làm sao hiểu được cảnh người đàn bà qua biển
mồ côi một mình. Tôi đã sinh đẻ, tôi biết cơn đau đẻ hành hạ người đàn bà
như thế nào, nhưng lúc này tôi cũng không thể chia sẻ gì được cho bà ta.
Tôi đã mệt quá, cơn đau đẻ của bà làm cho tôi càng mệt thêm. Không khí
như từ đâu tràn vào, xông tới và tôi thở phào, nhẹ nhõm khi nghe tiếng con
nít khóc oa oa chào đời. Tiếng khóc mạnh mẽ, bất chấp, không biết có đem
sự tin tưởng, hy vọng, sức lực tiếp cho ai không, nhưng với tôi thì có. Cám
ơn tiếng khóc chào đời trong cảnh khốn cùng tuyệt vọng.
- Khỏe re. Hết mệt cái lỗ tai. Bà nớ đẻ rồi.
Giọng Thu có chút vui vẻ mà dửng dưng. Tiếng khóc của đứa trẻ lại nổi
lên, mạnh dạn, như thi đua với tiếng bom, tiếng đạn bên ngoài đang hứng
dậïy. Tôi nhớ một câu trong Thánh Kinh: Mừng rằng mình đã sanh một
người cho thế gian... Ðêm nay, đâu chỉ ở trong cái góc tả tơi, trong sự sống
sự chết này có một con người mới tới, mà trong thành phố Huế, trong ly
loạn, vẫn còn có những tiếng khóc khác nữa, đang lăn xả vào đời. Tiếng
khóc sơ sinh trong căn nhà đang bắt lửa cháy, trong lúc viên đạn đã đi đến
nửa chừng. Tiếng khóc ra đời để kết thúc những đau đớn vết thương trên
thân thể người mẹ đang giờ hấp hối... Tiếng con nít khóc càng làm tôi nhớ
tới các con tôi lúc này đang ở Sài Gòn. Có chuyện gì xẩy ra nơi đó không?
Có không? Nếu có chuyện gì thì ruột mẹ sẽ đau, sẽ đứt, nếu có chuyện gì
xẩy ra cho mẹ, ruột của các con cũng đau, cũng đứt...