đớn xung quanh. Tôi đã mất luôn đôi dép lúc nào không biết. Chẳng ai còn
một đôi dép trong chân, kể cả má tôi. Nhưng Thái vẫn ôm ghì bọc gạo và
bình nước. Má tôi vẫn còn cái bọc quần áo.
- Còn bọc quần áo của chị và của em đâu? Há? Ðâu?
Tôi đã thả rơi ở đâu. Lúc nào. Nhớ gì nổi. Thây kệ. Không được. Thái
chạy trở lại và tìm ra.
Súng đạn nghỉ lấy hơi xong rồi lại bắt đầu lẻ tẻ lên tiếng. Mọi người bàn
nhau, cứ chạy ra phía bờ sông. Còn nguồn tin Mỹ và lính Cộng hòa đã ở
bên kia cầu. Bên kia cầu mới là hy vọng. Thì cứ đi tới.
Quả là phía bên kia sông có yên tĩnh hơn. Súng nổ ran nhiều ở phía
ruộng. Có nhiều đoàn người di tản đi ngược đi xuôi, loạn xạ vì họ chẳng
biết nơi nào yên ổn, nơi nào không yên! Biết hỏi han cũng không được tin
tức gì, mà người ta cũng không có thì giờ kể cả cái gật đầu hay lắc đầu nữa.
- Thôi kệ con ơi, phó cái mạng cho trời đất.
- Dạ. Rứa thì mình cứ theo người ta mà chạy.
Gia đình chú tôi có nhiều con cháu. Mấy đứa con nít thật quá tội nghiệp.
Chúng nó vừa đói, vừa mệt, lại còn bị kéo lê đi, mặc kệ chân đụng đá, cây
cành giữa đường. Chạy qua mấy cái lăng cổ, cung An Ðịnh đã thấp thoáng
hiện ra giữa một vườn rộng cây cối rậm rịt. Cung An Ðịnh hiện nay là nơi ở
của Bà Từ Cung. Trong sân cũng đã lố nhố người. Chúng tôi theo vào và
cũng vội vàng tìm chỗ tránh đạn. Bên trong đã khá đông, chúng tôi bị dồn
vào phía sau, sát bể nước lớn. Ở đây, tiếng súng xa hơn. Có vẻ vững tâm,
Thái sắp đặt đồ đạc và chỗ nghỉ ngơi. Vợ Bé lấy mấy miếng cơm vắt đưa
cho má tôi và bầy con nít trước. Lúc này tôi mới để ý không thấy hai ông
bà cụ già ngồi sát cạnh trong nhà thờ đâu. Lúc chạy, họ bám theo áo chúng
tôi mà. Thấy tôi cứ thắc mắc lo cho hai ông bà cụ, má tôi nói: