được nghe một câu chuyện về quá trình nghiên cứu, xây dựng lý thuyết ấy.
Viết đến đây, tôi liên tưởng đến câu nói của L.Tolxtoi: “Điều quý báu cần
biết không phải là quả đất tròn mà là làm thế nào để đi đến kết luận ấy”.
Phải nói rằng Thầy đã "hút hồn" hầu hết mọi người trong lớp. Thầy là Thầy
giáo - Nghệ sỹ. Thầy là hiện thân của cái đẹp, của sự truyền tải cái đẹp nhất,
người nhất – sự sáng tạo – đến với những người học Thầy. Có thể vì Thầy
còn là nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng được đánh giá cao của Liên
Xô.
Qua những câu Thầy trả lời các thắc mắc của tôi trên lớp, trong các giờ ra
chơi, trong những lần đến thăm gia đình Thầy tại nhà riêng và đặc biệt trong
thời gian làm luận án tốt nghiệp, bản thân tôi cảm thấy mình giàu thêm. Bởi
vì, Thầy không chỉ giải đáp những điều tôi muốn biết, muốn hiểu, mà còn
gợi mở về sự phát triển tiếp theo mà thường tôi không nhìn xa tới mức như
vậy. Đồng thời tôi cũng trở nên nghiêm khắc với chính mình hơn. Chẳng là
có những câu tôi hỏi, sau khi trả lời cặn kẽ, Thầy tổng kết: "Những gì tôi trả
lời anh có nằm ngoài những gì chúng ta đã học đâu". Ánh mắt Thầy nhìn tôi
như muốn nói thêm: "Anh có đủ tiềm năng để tự trả lời câu hỏi của chính
mình kia mà. Trước hết hãy tự mình làm, mạnh dạn lên anh bạn trẻ". Từ đó,
tôi tập thói quen vận dụng những gì mình đã học để tự trả lời các câu hỏi.
Không được, mới đi hỏi Thầy, hỏi người khác. Điều này giúp tôi tăng tính tự
tin và sau này là tính độc lập trong suy nghĩ, trong nghiên cứu khoa học.
Khi bước vào giai đoạn làm luận án tốt nghiệp, Thầy Altshuller khuyến
khích chúng tôi tự tìm đề tài thiết thực với lĩnh vực cụ thể của từng học viên.
Biết chuyên môn của tôi là vật lý, Thầy gợi ý làm đề tài theo hướng xây
dựng "Chỉ dẫn sử dụng các hiệu ứng vật lý trong sáng tạo sáng chế". Trong
khi đó, cái mà tôi tâm đắc, thậm chí ấp ủ từ lâu lại là đề tài "Tính ì tâm lý
trong tư duy sáng tạo".
Như tôi đã nói ở phần đầu bài viết này: khi còn học phổ thông tôi đã
nhiều lần tự tìm hiểu cách suy nghĩ của chính mình khi giải các bài toán
trong trường học. Tôi để ý, có những bài toán mình không giải được. Khi
biết lời giải tôi thấy mình không giải được không phải vì mình thiếu kiến