thức, thiếu khả năng cần thiết mà dường như có một lực nào đó cản trở mình
sử dụng kiến thức đó, khả năng đó và rất cay cú về cái lực ấy. Sau này đọc
các sách tâm lý học tôi mới biết tên gọi của nó: tính ì tâm lý. Chính vì để ý
nhiều đến tính ì tâm lý, bản thân lại vấp nó khá nhiều, có nhiều xúc cảm về
nó nên tôi muốn làm theo ý mình hơn là ý Thầy. Tôi phân vân: phải lựa lời
nói với Thầy thế nào cho phải đây (vì ở Việt Nam tôi luôn được giáo dục là
phải vâng lời thầy, cô). Cuối cùng, tôi quyết định nói thật với Thầy, bởi vì
tôi cũng được dạy phải "thật thà, dũng cảm", có vậy lương tâm tôi mới
thanh thản, chẳng cần cong queo làm gì. Tôi chuẩn bị tinh thần, nếu Thầy
không chịu thì đành vâng lời Thầy vậy. Khi nói với Thầy, tôi tưởng Thầy sẽ
tiếp tục thuyết phục tôi theo ý kiến của Thầy, ai dè Thầy đồng ý ngay: "Nếu
anh "yêu" tính ì tâm lý thì xin mời, bắt đầu ngay đi". Đồng thời Thầy cũng
chỉ ra những khó khăn mà tôi cần phải hình dung trước để vượt qua đối với
nhà vật lý khi nhảy sang lĩnh vực tâm lý.
Viết luận án được đến đâu, tôi đưa Thầy xem đến đó. Có thời gian thì
Thầy ngồi thảo luận với tôi ngay, không có thì Thầy cầm về đọc rồi hẹn gặp.
Thầy góp ý từng phần và luôn đặt nhiều câu hỏi như: "Về ý này người ta đã
làm được những gì? Đăng trong tài liệu nào? Anh có thực sự đọc nguyên
bản không? Anh đã tìm hết các nguồn thông tin chưa? Mục đích anh muốn
đạt được trong luận án là gì? Cái gì là cái mới của anh? Các dữ liệu anh
đưa ra đã đủ thuyết phục chưa? Còn dữ liệu nào thuyết phục hơn nữa
không? Anh khẳng định cái này liệu có quá sớm không? Còn cách giải thích
nào khác không? Còn cách xem xét nào nữa không? Liệu anh có thể xây
dựng được các công cụ, ít nhất dưới dạng lời khuyên để giúp người ta khắc
phục tính ì tâm lý không? Đề tài này còn có thể phát triển tiếp về những
hướng nào?…" Thú thật, mỗi buổi làm việc với Thầy là mỗi buổi "đổ mồ
hôi hột" và tôi hiểu thêm Thầy là người rất nghiêm khắc trong công việc
nghiên cứu khoa học. Chính vì được Thầy rèn cho, những gì học được từ
Thầy đã rất giúp ích tôi khi làm các luận án tiến sỹ (Doctor of Philosophy),
đặc biệt, tiến sỹ khoa học (Doctor of Science) về quang học các chất bán dẫn
theo nghề nhà nước cử đi đào tạo. Riêng về "tính ì tâm lý", sau này, tôi phát