Tóm lại, vì hiểu là vấn đề quan trọng và khó, người suy nghĩ phải hết sức
chú ý hiểu bài toán, kiểm tra các mức độ hiểu của mình, đặc biệt cần phải
thay đổi cách xử sự: Không giấu sự không hiểu, hỏi lại, tra cứu tài liệu... để
hiểu. Không nên ra quyết định khi còn chưa hiểu, khi việc hiểu có vấn đề.
6.4.3. Ngôn ngữ, ký hiệu, hình vẽ
Ngôn ngữ:
Các đối tượng có thực, khi ở trong óc con người, trở thành các biểu tượng
tâm lý – các bản sao chứa thông tin về các đối tượng đó (xem mục nhỏ
6.4.1. Trí nhớ). Các bản sao được đặt tên (mã hóa) bằng các từ ngữ. Bất kỳ
bản sao nào của đối tượng cho trước, như chúng ta biết, đều không phải là
chính đối tượng cho trước mà chỉ gồm những dấu hiệu đặc trưng nhất (“tinh
hoa”) của đối tượng cho trước, được chủ thể tiếp nhận một cách chọn lọc,
chủ quan. Đây là điểm rất quan trọng mà người sử dụng ngôn ngữ cần lưu ý.
Tư duy của con người luôn gắn với ngôn ngữ. Nói rõ hơn, con người suy
nghĩ bằng ngôn ngữ và bị tác động bởi ngôn ngữ.
Các từ ngữ đều phản ánh các đối tượng mà chúng đề cập đến với mức độ
trừu tượng và khái quát nhất định. Vì khi chúng ta sử dụng từ ngữ, đối tượng
được từ ngữ phản ánh chỉ còn là bản sao (biểu tượng tâm lý) chứa những
dấu hiệu chọn lọc, đặc biệt nhấn mạnh, mang tính chất chung của loại đối
tượng đó để phân biệt với các loại đối tượng khác. Ví dụ, khi bạn sử dụng từ
“cái bàn”, đối tượng “cái bàn” trong óc bạn không phải là cái bàn cụ thể
với tất cả các dấu hiệu như trên thực tế. Ngay cả khi bạn nghĩ “cái bàn
tròn”, tuy mức độ cụ thể có tăng lên nhưng không vì thế tính trừu tượng và
khái quát của từ ngữ biến mất. Chưa kể, còn có những đối tượng, bản thân
chúng đã là trừu tượng và khái quát.
Tính trừu tượng, khái quát của từ ngữ nói riêng, ngôn ngữ nói chung đem
lại nhiều ích lợi:
Thứ nhất, người suy nghĩ không bị quá tải, do vậy, nhu cầu tiết kiệm sức
lực được thỏa mãn. Bạn thử tưởng tượng, trong một bài toán, có thể có nhiều