GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ VÀ RA QUYẾT ĐỊNH - TẬP 2 - Trang 117

lĩnh vực không phải là khoa học chính xác. Chính vì vậy, trong mục này,
người viết tập trung trình bày các bẫy ngôn ngữ liên quan đến hiểu nghĩa.

Sự giao tiếp bằng ngôn ngữ luôn xảy ra trong mọi giai đoạn của quá trình

giải bài toán. Điều này đúng không chỉ đối với tập thể giải bài toán, ở đó cần
sự bàn bạc, trao đổi, thảo luận. Ngay cả trường hợp một người giải, người
đó thường xuyên phải giao tiếp với chính mình (lúc phát thông tin cho chính
mình, lúc thu thông tin của chính mình dưới dạng ngôn ngữ – nói và nghe
thầm trong đầu). Chưa kể, có những lúc người giải còn đi tìm thông tin từ
môi trường bên ngoài, phải giao tiếp với những người khác.

Giao tiếp là quá trình bao gồm phát và thu thông tin qua lại, ở đó mỗi

người tham gia đều thực hiện cả hai chức năng. Khi phát thông tin, người
phát gởi trong lời nói hay văn bản những nghĩa (được gọi là những nghĩa ấn
định), mình muốn chuyển đến người thu. Sau khi thu thông tin, trong óc
người thu xuất hiện các nghĩa, được gọi là những nghĩa diễn giải. Trong
trường hợp lý tưởng, những nghĩa ấn định và những nghĩa diễn giải phải như
nhau: Thông tin truyền thông suốt. Thực tế cho thấy, ngay cả trường hợp
trong kênh truyền hoàn toàn không có nhiễu, sự trùng nhau thực sự thường
không xảy ra, có khi dẫn đến những hiểu lầm tai hại, làm nảy sinh những
vấn đề không đáng nảy sinh.

Nhìn theo góc độ chuỗi truyền thông tin (xem mục nhỏ 6.3.2. Chuỗi

truyền thông tin), bạn đọc có thể đoán ra nguyên nhân của sự không trùng
nhau nằm ở bộ phận phát cùng quá trình mã hóa (lựa chọn các từ ngữ, sắp
xếp chúng thành câu, thành đoạn) và bộ phận thu cùng quá trình giải mã
(các từ ngữ... nhận được tạo ra trong óc các bản sao gì, như thế nào). Những
người khác nhau có sự chủ quan, chọn lọc khác nhau và các cách mã hóa,
giải mã khác nhau. Từ đó dẫn đến những nghĩa ấn định và những nghĩa diễn
giải khác nhau. Bạn đọc có thể thấy điều này qua kinh nghiệm bản thân. Ví
dụ, về cùng một đề tài, người này nói, bạn dễ hiểu, người khác nói, bạn khó
hiểu, có khi hiểu lầm. Hoặc, cùng nghe một người, bạn hiểu nhưng người
bên cạnh bạn lại không hiểu. Hoặc, giúp em bạn làm bài tập chẳng hạn, bạn
nói cách này, em bạn chưa hiểu. Bạn đổi cách trình bày, em bạn lại hiểu.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.