bách nhân bách tính hoặc mỗi cá nhân cụ thể là một phiên bản không
lặp lại trong suốt lịch sử loài người. Các hiện tượng chủ quan chính là
các hiện tượng tâm – sinh lý (xem Chương 5: Từ nhu cầu đến hành
động và ngược lại) của mỗi người và chúng tác động rất mạnh lên cá
nhân trong việc chọn từ ngữ để mã hóa và chọn nghĩa để hiểu (giải mã).
Ngược lại, cách sử dụng ngôn ngữ của một người cũng tác động mạnh
lên các hiện tượng chủ quan của người đó. Nếu bạn muốn lạc quan, bạn
nên sử dụng những từ ngữ mang các nghĩa lạc quan và hiểu các nghĩa
lạc quan. Về điều này, F. Bacon nhận xét rất chí lý: “Mọi người nghĩ
rằng tư duy của họ điều khiển được ngôn ngữ nhưng thường là ngôn
ngữ điều khiển tư duy của họ”. H. Delacroix cũng cho rằng: “Toàn bộ
kinh nghiệm của một người được xây dựng trên cơ sở ngôn ngữ của
người đó”. Goethe đưa ra lời khuyên thực tế: “Mỗi ngày, mỗi người
cần cố gắng nghe một bài hát ngắn, đọc một bài thơ hay, xem một bức
tranh đẹp và, nếu có thể, nói những từ ngữ có lý trí”.
4. Nghĩa còn bị ảnh hưởng bởi môi trường. Quá trình giao tiếp bằng
ngôn ngữ không xảy ra trong chân không mà đều ở trong môi trường
(hiểu theo nghĩa rộng) nhất định. Điều này có nghĩa, cùng với sự trao
đổi thông tin với nhau, những người tham gia giao tiếp còn nhận thêm
các thông tin (về điều kiện, hoàn cảnh...) của môi trường thông qua các
giác quan. Những thông tin này có thể ảnh hưởng lên việc hiểu nghĩa
của những người tham gia giao tiếp: Nghĩa nào đó, trong các nghĩa có
thể có của các từ ngữ được sử dụng, trở nên mạnh hơn, nổi lên và gây
chú ý hơn những nghĩa khác.
Dưới đây là một số chuyện vui, trong đó có những hiểu lầm. Bạn đọc hãy
tìm các nguyên nhân là các “bẫy ngôn ngữ” có trong mỗi chuyện đó.
○ Tiếp viên của một tàu biển, đứng ở cầu tàu, nói to, hướng dẫn khách:
“Hạng nhất về bên phải, hạng nhì về bên trái”. Một cô gái còn trẻ, bế theo
một đứa bé bước đến. Anh tiếp viên lịch sự, nghiêng mình, hạ giọng, hỏi
nhỏ: “Thưa cô nhất hay nhì đấy ạ?”. “Ơ...” – Cô gái đỏ bừng mặt, đáp lại