dưới dạng các hình ảnh hình thành trong óc về hiện thực. Trên cơ sở và nhờ
sự phản ánh đó, sự điều khiển hành vi và hoạt động mang tính cá nhân được
thực hiện. Tâm lý học nghiên cứu bản chất các cơ chế tâm lý và các quy luật
điều khiển tâm lý.
Sự phản ánh hiện thực nhờ bộ óc và xảy ra trong bộ óc (thế giới tinh
thần), có cơ sở vật chất là các hoạt động sinh lý thần kinh, các quá trình lý
sinh, sinh hóa ở mức độ phân tử, tế bào. Ở đây, người viết chỉ đề cập đến các
hiện tượng tâm lý. Các hiện tượng tâm lý chia thành ba loại:
1. Các quá trình tâm lý là các hiện tượng tâm lý đơn giản được lồng trong
những dạng phức tạp hơn của hoạt động tâm lý. Chúng xảy ra trong thời
gian ngắn từ vài phần giây đến vài chục phút.
2. Các trạng thái tâm lý thuộc loại phức tạp nhất. Ví dụ như các trạng thái
sảng khoái, hoặc trầm uất; khả năng làm việc thích hợp hay mệt mỏi; tâm
trạng tươi tỉnh hoặc chán nản; dễ nổi nóng; đãng trí. Chúng có thể kéo dài
trong vài giờ, vài ngày hoặc vài tuần lễ.
3. Các tính chất của nhân cách là khí chất, tính cách, các năng lực và
những thể hiện đặc biệt mang tính ổn định của các quá trình tâm lý của nhân
cách. Chúng còn là các xu hướng, niềm tin, kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng và
thói quen của nhân cách. Những tính chất này tồn tại trong cá nhân, nếu như
không nói cả đời thì cũng trong thời gian rất dài.
Các hiện tượng tâm lý nói trên liên quan mật thiết với nhau và có thể
chuyển hóa lẫn nhau theo những cách khác nhau.
Do nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân như: Đối tượng
nghiên cứu của tâm lý không những phức tạp mà còn luôn có hai khía cạnh
khách quan và chủ quan đan xen nhau (con người nghiên cứu chính mình);
thiếu các phương tiện nghiên cứu với độ tin cậy, chính xác cao, tâm lý học
chưa phải là khoa học chính xác. Các nhà tâm lý thường gặp các trường hợp:
trong các sự kiện giống nhau lại có sự tham gia của các hiện tượng tâm lý
khác nhau; các sự kiện khác nhau, thậm chí ngược nhau lại bị chi phối cùng
một quy luật... mà chưa xác định được một cách rõ ràng, khách quan.