Trong tâm lý học còn có tình trạng, nội dung một khái niệm được định
nghĩa khác nhau hoặc được đặt tên khác nhau, tùy theo các trường phái
nghiên cứu, thậm chí tùy theo các nhà nghiên cứu riêng lẻ khác nhau. Ngược
lại, cùng sử dụng một tên gọi, các nhà tâm lý lại hiểu khác nhau. Nhiều thuật
ngữ cơ bản của tâm lý học như “xúc cảm”, “ý chí”, “ý thức”, “nhân cách”,
“tính cách” còn chưa có các định nghĩa được tiếp nhận chung. Hầu như mỗi
tác giả gởi gắm trong những thuật ngữ mà mình sử dụng ý nghĩa riêng của
mình. Do vậy, không phải ngẫu nhiên, Y.M. Xetrenov nhận xét: “... bạn hãy
thử nói chuyện về cùng một đối tượng với các nhà tâm lý học thuộc các
trường phái khác nhau: mỗi trường phái lại có ý kiến khác; để so sánh, nói
chuyện, ví dụ, về âm thanh, ánh sáng, điện với bất kỳ nhà vật lý nào, từ bất
kỳ đất nước nào, bạn đều nhận được những câu trả lời giống nhau về bản
chất”. Nhận xét này tuy đã tồn tại suốt gần 150 năm nhưng vẫn còn được
trích dẫn. Rõ ràng, chỉ “những câu trả lời giống nhau” mới có thể làm tâm
lý học trở thành khoa học giống như các khoa học: vật lý học, thiên văn học,
hóa học, sinh vật học.
Những gì liên quan đến tâm lý học và các khoa học cơ sở khác của
PPLSTVĐM, trình bày trong bộ sách “Sáng tạo và đổi mới” nói chung,
quyển hai và quyển ba nói riêng là kết quả học, tự học, nghiên cứu và sử
dụng chúng của người viết. Do vậy, bạn đọc nên xem những kiến thức đó
chỉ là tối thiểu, cần tự suy xét, đánh giá chúng và tìm hiểu thêm.
5.2. Các nhu cầu của cá nhân
Nhu cầu cá nhân là sự đòi hỏi của cá nhân có được những điều kiện,
phương tiện (hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả kiến thức và công cụ) và kết
quả cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của cá nhân đó.
Việc công nhận các nhu cầu là nguyên nhân khởi đầu các hành động của
con người và bác bỏ quan điểm cho rằng tư duy của con người là nguồn gốc,