giữa các yếu tố và các tính chất, chức năng của tổng thể, là sự thay đổi về
chất.
Trên thực tế, bạn có thể phối hợp các cách suy nghĩ: Bằng ngôn ngữ,
bằng ký hiệu, bằng hình vẽ lại với nhau ở bất kỳ lúc nào trong suốt quá
trình suy nghĩ, sao cho thích hợp nhất. Điều này có nghĩa: Lúc bạn suy
nghĩ bằng ngôn ngữ, lúc bằng ký hiệu, lúc bằng hình vẽ; hoặc, hình vẽ
của bạn có cả từ ngữ lẫn ký hiệu...
6.4.4. Xử lý thông tin
Sau khi tiếp thu các thông tin có trong lời phát biểu bài toán nhằm mục
đích hiểu chúng, bạn chuyển sang giai đoạn xử lý thông tin (xem các Hình
43, Hình 44). Giai đoạn xử lý thông tin có nhiệm vụ biến đổi những thông
tin đã tiếp thu thành những thông tin mới, sâu sắc hơn nữa, có tác dụng giúp
bạn những gợi ý, để bạn có thể chuyển sang giai đoạn phát các ý tưởng giải
bài toán.
Nếu bài toán bạn giải thuộc lĩnh vực, ở đó có sẵn các phương tiện và cách
thức xử lý thông tin một cách lôgích, bạn có thể sử dụng chúng ngay. Ví dụ,
trong bài toán “gà, chó” (xem mục nhỏ 6.3.4. Các ích lợi và hạn chế của lý
thuyết thông tin đối với tư duy sáng tạo), trên cơ sở hiểu bài toán (gà có hai
chân, chó có bốn chân), bạn lập phương trình bậc nhất một ẩn số và bạn
dùng ngay cách biến đổi có sẵn trong toán học để tìm lời giải.
Trong những trường hợp không may mắn như bài toán “gà, chó” đã nói ở
trên, nhiều khi bạn bắt buộc phải xử lý thông tin theo phương pháp thử và
sai. Bởi vì, hệ thống giáo dục – đào tạo, đặc biệt ở nước ta, ít chú ý dạy các
phương pháp và rèn luyện các kỹ năng sử dụng các phương pháp xử lý
thông tin có phạm vi áp dụng rộng, mà thường chỉ dạy các phương pháp xử
lý thông tin theo ngành nghề, chuyên môn.
Trong mục nhỏ này, người viết chọn và trình bày mang tính chất giới
thiệu một số phương pháp xử lý thông tin có phạm vi áp dụng rộng mà bạn