sao có trong vũ trụ và xung quanh chúng có vô số các hành tinh quay,
tương tự như Trái Đất chúng ta... Ông bị nhà thờ đàn áp: Ngồi tù 8 năm
và ngày 8 tháng hai năm 1600, tòa án giáo hội ở Roma tuyên phạt thiêu
sống ông. Bản án được thi hành ngày 17 tháng hai năm 1600 trên
quảng trường có tên rất thơ mộng: Quảng trường các bông hoa. Thời
gian giam giữ lâu, sự chậm trễ trong việc tuyên và thi hành án là do nhà
thờ hy vọng J. Bruno sẽ phải từ bỏ niềm tin vào chân lý của mình.
Năm 1889, ngay tại nơi thiêu sống J. Bruno, người ta dựng đài kỷ niệm
với hình ông cầm cuốn sách. Chân tượng đài khắc dòng chữ: “Người đã cất
cao tiếng nói của mình vì tự do tư tưởng của tất cả các dân tộc và làm quyền
tự do đó trở nên thiêng liêng bằng chính cái chết của mình”.
G. Galileo (1564 – 1642), sau những năm tháng trốn tránh và tù đày, dưới
sức ép của những người theo chủ nghĩa giáo quyền và cái gọi là “giới khoa
học” thời kỳ đó, để yên thân, dù chỉ là hình thức, phải tuyên bố từ bỏ các ý
tưởng của mình công khai trước công chúng.
Aristotle (384 – 322 trước công nguyên) đã cho rằng, các vật khác nhau
rơi xuống đất với các tốc độ khác nhau: Các vật nặng rơi nhanh hơn và
các vật nhẹ rơi chậm hơn.
G. Galileo, một sáng mùa xuân năm 1590, trèo lên tháp nghiêng Pisa, thả
xuống từ đó quả đạn đại bác bằng gang và viên đạn chì. Ông ở trên tháp và
các học trò của ông ở dưới đất đều thấy rằng cả hai vật chạm đất cùng một
lúc. Bằng thí nghiệm này, G. Galileo đã bác bỏ ý kiến của Aristotle tồn tại
suốt 19 thế kỷ mà không hề bị nghi ngờ.
Tuy vậy, cũng chính Galileo không chịu công nhận ý tưởng: Các hành
tinh chuyển động theo các quỹ đạo hình ellip của J. Kepler (1571 – 1630).
Ông khăng khăng giữ lại ý tưởng các quỹ đạo tròn mặc dù đã có nhiều bằng
chứng khoa học nghiêng về phía các ý tưởng của Kepler.