Sau này, dựa trên các công trình của Kepler, I. Newton (1643 – 1727) đã
phát minh định luật vạn vật hấp dẫn.
Quang học được nghiên cứu từ thời cổ đại đến thời trung cổ, chủ yếu,
là quang hình học. Khoảng giữa thế kỷ 17, bắt đầu có những quan tâm
nghiên cứu vượt ra ngoài phạm vi của quang hình học. Lúc này, xuất
hiện hai lý thuyết về bản chất của ánh sáng: Lý thuyết hạt và lý thuyết
sóng.
Theo lý thuyết hạt, ánh sáng là dòng các hạt ánh sáng, được các vật phát
sáng phóng ra mọi hướng, chuyển động trong không gian với vận tốc cực
lớn. Năm 1672, Newton tuyên bố ủng hộ lý thuyết hạt, mặc dù lý thuyết này
không giải thích được nhiều hiện tượng, trong đó có các hiện tượng liên
quan đến nhiễu xạ và giao thoa.
Lý thuyết sóng được C. Huygens công bố chính thức năm 1690 nhưng
không được giới khoa học thừa nhận trong suốt cả thế kỷ 18, do uy tín của
Newton quá lớn. Nếu như có hàng ngàn người chống lại lý thuyết sóng thì
số người ủng hộ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Các bài báo của T. Young (1773 – 1829) công bố trong các năm 1801 –
1803 chứa các kết quả nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm dựa trên lý
thuyết sóng, giải thích được các hiện tượng nhiễu xạ, giao thoa ánh sáng, trở
thành thách thức nghiêm túc đầu tiên đối với lý thuyết hạt. Cũng ngay trong
năm 1803, nam tước H. Broom, người ủng hộ lý thuyết hạt đã tấn công T.
Young một cách không thương tiếc trên báo chí. Để rồi, phải thêm 15 năm
nữa, lý thuyết sóng mới được tiếp tục để ý, nhờ những công trình nghiên cứu
độc lập của A. Fresnel (1788 – 1827). Tuy vậy, mãi đến giữa thế kỷ 19, sau
khi có thêm những kết quả thí nghiệm mới, không thể bác bỏ được, lý thuyết
sóng của Huygens – Young – Fresnel mới có được vị trí vững chắc.
Nhiều hiện tượng điện, từ đã được phát hiện trong thế kỷ 18 và đầu thế
kỷ 19 nhờ các nhà bác học nổi tiếng như H. Cavendish, C. Coulomb, S.