vật lý nhằm tìm ra công thức phù hợp với các kết quả thực nghiệm đều
thất bại.
Năm 1900, bằng phương pháp bán thực nghiệm, M. Planck (1838 – 1947)
tìm ra công thức phân bố năng lượng, bao quát được toàn bộ phổ bức xạ của
vật đen tuyệt đối. Công thức cho kết quả trùng với các kết quả thực nghiệm
đã có và các kết quả thực nghiệm thu được sau khi công thức ra đời. Tiếp
đó, Planck tiến hành tìm kiếm cơ sở lý thuyết dẫn đến công thức và giải
thích các ý nghĩa vật lý của nó. Planck đi đến kết luận: Các nguyên tử, phân
tử phát và hấp thụ năng lượng điện–từ không liên tục mà ngắt quãng, rời rạc
theo từng định lượng nhất định mà Planck gọi là lượng tử (Quantum).
Planck cho rằng, điện tử trong vật chất dao động với tần số ν chỉ có thể phát
hoặc hấp thụ lượng năng lượng E = h.ν, với h = 6,63.10-27 g.cm²/giây là
hằng số Planck.
Bức tranh vật lý thế giới bắt đầu từ Galileo, Newton và hoàn thành nhờ
Maxwell, Helmholtz được xây dựng nhất quán dựa trên nguyên tắc: Tự
nhiên không tạo những bước nhảy (natura non facit saltus). Trong khi đó,
Planck lại đưa ra bước nhảy (không liên tục) với giá trị mỗi bước là E = h.ν,
chứ không thể nhỏ hơn. Mặt khác, giữa lúc lý thuyết sóng ánh sáng đang
được thừa nhận và sử dụng rộng rãi trong vật lý và kỹ thuật thì ý tưởng của
Planck lại làm sống lại lý thuyết hạt ánh sáng với năng lượng mỗi hạt bằng.
Nói cách khác, ý tưởng của Planck làm lung lay những ý tưởng nền móng
của toàn bộ vật lý cổ điển và sự chống đối dữ dội chắc chắn sẽ xảy ra.
Hiểu rõ điều đó, như có lần chính Planck phát biểu: “Thông thường, các
chân lý mới trong khoa học chiến thắng không theo kiểu: Thuyết phục thành
công những người chống đối và họ công nhận sai lầm của chính họ. Phần
lớn các trường hợp xảy ra là: Những người chống đối dần dần chết đi hết và
thế hệ mới lớn lên sẽ tiếp nhận chân lý đó ngay lập tức”. Có lẽ do vậy một
phần, khi đưa ra ý tưởng của mình, Planck luôn nhấn mạnh, đấy chỉ là giả
thiết làm việc đối với hiện tượng cụ thể là bức xạ nhiệt, trong khi chưa có
được cái đúng hơn. Planck đề nghị mọi người đừng vội vàng khái quát hóa ý
tưởng lượng tử. Trong các bài giảng, lời phát biểu, các buổi trò chuyện, thư