từ, Planck yêu cầu các đồng nghiệp đừng từ bỏ vật lý cổ điển mà phải ủng
hộ, giữ gìn nó bằng mọi cách và cố gắng đừng xa rời các quy luật của nó.
Ông dường như sẵn sàng bỏ đi các ý tưởng lượng tử của mình, miễn sao lý
thuyết cổ điển không bị tổn hại. Lập trường không dứt khoát như vậy của
Planck về lượng tử kéo dài không phải một, hai năm mà gần như suốt 25
năm. Có những nhà nghiên cứu cho rằng Planck làm nên cuộc cách mạng
trong vật lý (cha đẻ của vật lý lượng tử) nhưng cách hành xử của ông lại
không giống nhà cách mạng mà giống kẻ dao động, thỏa hiệp hơn. Hoặc, từ
khi Planck thả âm binh “lượng tử” ra khỏi chai, ông trở nên lo lắng, đứng
ngồi không yên.
Một ví dụ khác về việc lo sợ cái cũ sụp đổ và không chấp nhận cái mới
thuộc về H.A. Lorentz (1853 – 1928), người có nhiều đóng góp trong phát
triển vật lý (ngay cả công thức biến đổi không–thời gian trong thuyết tương
đối hẹp của Einstein cũng mang tên ông: Công thức Lorentz). Trong thời kỳ
khủng hoảng của vật lý, ông trở nên rất bi quan. A.F. Ioffe (1880 – 1960)
nhớ lại lời của Lorentz nói trong một cuộc trò chuyện thân mật: “Tôi không
còn tin gì nữa và tiếc rằng mình đã không chết trước đây năm năm, khi mọi
thứ đều rõ ràng đối với tôi”.
Năm 1905, người đầu tiên tiếp nhận các lượng tử của Planck một cách
nghiêm túc và vận dụng thành công vào việc giải thích hiện tượng
quang điện ngoài, là A. Einstein (1879 – 1955). Không những thế, ông
còn đi đến ý tưởng: Ánh sáng vừa có bản chất sóng, vừa có bản chất
hạt. Công trình về lượng tử ánh sáng của Einstein được trao giải Nobel
vật lý năm 1922. Khác với Planck, Einstein biết rõ việc mình làm, kể cả
khi đưa ra thuyết tương đối hẹp và tương đối rộng, là xâm phạm các ý
tưởng thiêng liêng của vật lý cổ điển. Với tính hài hước có sẵn, Einstein
phát biểu, đại ý: “Newton, hãy tha lỗi cho tôi. Tôi không thể làm khác
được, nếu muốn tiến lên phía trước. Tôi chỉ làm công việc mà ở thời
của ông, ông cũng đã từng làm, là vượt qua cái cũ”.