Có một thí nghiệm, các nhà tâm lý thực hiện đối với hai nhóm người như
sau:
Trường hợp 1: Trên bàn để cái búa, một cái hộp đựng vài cái đinh bên
trong và một cây nến.
Họ cho từng người của nhóm thứ nhất vào phòng và đề nghị: “Hãy sử
dụng các dụng cụ có trên bàn để gắn cây nến lên tường”.
Phần lớn mọi người ở nhóm thứ nhất dùng búa đóng đinh xuyên qua thân
cây nến để gắn cây nến lên tường, xem Hình 62a.
Trường hợp 2: Trên bàn để cái búa, một cái hộp rỗng, vài cái đinh để bên
cạnh hộp và một cây nến. Nói cách khác, các dụng cụ trong trường hợp này
y như trường hợp trước, chỉ khác là đinh không để bên trong mà để bên
ngoài hộp.
Họ cho từng người của nhóm thứ hai vào phòng và đề nghị: “Hãy sử
dụng các dụng cụ có trên bàn để gắn cây nến lên tường”.
Lần này, phần lớn mọi người của nhóm thứ hai dùng búa và đinh đóng cái
hộp lên tường, làm thành giá đỡ, rồi đặt cây nến vào giá đỡ, xem Hình 62b.
Rõ ràng, lời giải trên Hình 62b tốt hơn lời giải trên Hình 62a.
Hình 62: Bài toán gắn cây nến lên tường
Giải thích thí nghiệm trên, các nhà tâm lý cho rằng, đối tượng “hộp” ở
đây, ít nhất, có hai nghĩa, từ đó dẫn đến hai giá trị khác nhau: “hộp đựng
đinh” và “hộp giá đỡ”. Trong trường hợp thứ nhất, khi đinh ở trong hộp,
nghĩa “hộp đựng đinh” nổi lên, nghĩa “hộp giá đỡ” lặn mất, thiếu mất nên bị
bỏ qua, mặc dù chính nghĩa bị thiếu lại là nghĩa giúp đi đến lời giải tốt hơn.