Trong cả ba bài toán nói trên đều có các điểm chung: Các đối tượng “số”,
“hình”, “hộp” đều có nhiều nghĩa; một số nghĩa nổi lên mạnh mẽ như “số
dương”, “hình phẳng”, “hộp đựng đinh”; một số nghĩa khác bị bỏ qua
(thiếu) như “số phức”, “hình không gian”, “hộp giá đỡ” và chính các nghĩa
thiếu lại là lời giải.
Trong các trường hợp trên đều có hiện tượng: Một người hoàn toàn có
khả năng giải bài toán cho trước nhưng cuối cùng vẫn không giải được, vì
không thắng được tính ì tâm lý của chính mình. Loại tính ì này còn gọi là
tính ì tâm lý do ức chế hay gọi tắt là tính ì tâm lý “thiếu”. Nguyên nhân ức
chế có nhiều. Có những nguyên nhân tâm lý bên trong như bài toán “Liệu có
tồn tại hai số...”, bài toán xếp diêm. Có những nguyên nhân bên ngoài như
bài toán “Gắn cây nến lên tường”: Môi trường ảnh hưởng lên việc hiểu
nghĩa và giá trị của cái hộp. Chúng ta hãy thử tìm hiểu cơ chế của nó.
Như chúng ta đã biết (xem mục nhỏ 6.4.1. Trí nhớ), trí nhớ của cá nhân
mang tính chọn lọc và chủ quan, quyết định bởi nguyên nhân sâu xa là
các nhu cầu cá nhân, mà có khi chính người đó không ý thức được. Quá
trình ghi nhớ là quá trình tạo dấu vết trong vỏ não, phản ánh thông tin
tiếp nhận. Các dấu vết vật chất được hình thành nhờ các xung điện thần
kinh (thông tin tiếp nhận đã giải mã), các biến đổi lý-hóa trong các bộ
phận liên quan của các tế bào và các trung khu thần kinh. Những dấu
vết vật chất nói trên là các liên kết thần kinh tạm thời, tạo thành mô
hình kết nối thần kinh, phản ánh thông tin được ghi nhớ. Nếu thông tin
tiếp nhận và quá trình tái hiện (nhận ra lại, nhớ lại, hồi tưởng) lặp đi,
lặp lại nhiều lần thì những dấu vết vật chất càng trở nên “đậm”. Do
vậy, thông tin tiếp nhận càng lưu giữ tốt.
Có hai hiện tượng cơ bản của hệ thần kinh cấp cao: Hưng phấn và ức chế.
Các quy luật hoạt động của chúng là cơ sở sinh lý của các hoạt động tâm lý.
Điều thường xảy ra là, trạng thái hưng phấn xảy ra ở phần này của bộ não thì
các phần khác bị ức chế. Liên quan đến trí nhớ, chính những phần, ở đó có