mình, kiến thức về những đối tượng cần sáng tạo, kiến thức về các phương
pháp sáng tạo – PPLSTVĐM).
Ngoài ra, cá nhân còn có thể tự ti do có các quan niệm sai về sáng tạo
như: Sáng tạo do bẩm sinh; sáng tạo phải cần cù mà mình lại không đủ kiên
trì; sáng tạo là phải tạo ra cái gì đó thật lớn mà như thế vượt quá khả năng
mình; sáng tạo là tự mình phải làm từ A đến Z mà mình lại không đủ điều
kiện thực hiện; người ta đã sáng tạo hết cả rồi, mình chỉ cần sử dụng, khai
thác những sản phẩm sáng tạo đã có là đủ; những người học giỏi làm giỏi
hơn mình còn không thấy có thành tích sáng tạo đáng kể gì, làm sao mình
sáng tạo được...
2. Các nguyên nhân thuộc về môi trường (hiểu theo nghĩa rộng)
Nhiều môi trường không chỉ tạo ra các quan niệm sai về sáng tạo nói ở
trên mà còn thiên về phía cản trở sáng tạo, hơn là động viên, khuyến khích,
ủng hộ, tạo điều kiện cho những cái mới ra đời và phát triển. Sự cản trở sáng
tạo, nhẹ thì cười cợt, chế giễu, phê phán, nặng thì đặt ra nhiều vùng cấm
sáng tạo, vùi dập, đàn áp những cái mới (xem mục nhỏ 6.5.2. Tính ì tâm lý:
Vật cản trong tư duy sáng tạo và đổi mới). Nói cách khác, đấy là loại môi
trường làm cho những người không đủ ý chí, nghị lực dễ nghĩ rằng: “Mình
không có khả năng sáng tạo”, hoặc “An toàn nhất là đừng đưa ra bất kỳ cái
gì mới”, hoặc “Tốt nhất là hành động theo kiểu Thiên lôi chỉ đâu đánh
đấy”.
Nếu mỗi người chúng ta thật thà trả lời câu hỏi: “Mình thường thiên về
phía ủng hộ hay thiên về phía phê phán những cái mới, được cá nhân nào
đó trong môi trường của mình đưa ra?” thì câu trả lời chắc sẽ là: “Thiên về
phía phê phán”. Điều này có thể được giải thích vì các nguyên nhân như:
a. Mỗi người đều có nhu cầu được để ý, chú ý... Trong hai thái độ ủng hộ
hoặc phê phán cái mới, thái độ phê phán dễ thỏa mãn nhu cầu đó hơn, vì
mình phát hiện ra cái sai, mình đúng hơn, giỏi hơn người đưa ra cái mới.
Còn với thái độ ủng hộ cái mới, mình chỉ là người đi theo, hùa theo, ăn theo:
Người đưa ra cái mới được để ý, chú ý chứ không phải là mình.