những kiến thức không vượt ra ngoài sách giáo khoa, mà vẫn phát hiện
được những học sinh nhanh trí, suy nghĩ không rập khuôn, máy móc
(sáng tạo). Với môn hóa thì không hẳn như vậy. Thông thường, các kỳ
thi Olympic hóa học, những người dự thi phải có những kiến thức cao
hơn chương trình đang học.
Đối với các kỳ thi Olympic các môn học khác như sinh học, lịch sử, địa
lý, ngôn ngữ, các bài tập chủ yếu giúp phát hiện những người uyên bác,
thông thái (biết nhiều), chứ không phải những người có năng lực sáng tạo
cao. Trong các cuộc thi các môn học nói trên, những người tham gia thi ở
những điều kiện rất khác nhau, do vậy, có thể dẫn đến sự không công bằng.
Ưu thế thuộc về những đứa trẻ của những gia đình trí thức. Học sinh thành
phố thuận lợi hơn học sinh nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nói cách khác,
cán cân nghiêng về những học sinh có điều kiện dễ dàng tiếp cận những kiến
thức nằm ngoài sách giáo khoa. Tuy nhiên, những người lạc quan vẫn tin
tưởng rằng, những vấn đề nêu trên hoàn toàn có thể giải quyết được. Nhưng
bao giờ và như thế nào thì còn chưa rõ.
Không chỉ có vấn đề xây dựng các bài tập, tương tự như các trắc nghiệm
tâm lý, các kỳ thi cũng không tính đến những đặc điểm quan trọng của nhân
cách, nhiều khi ảnh hưởng quyết định đến những thành công mang tính sáng
tạo trên thực tế.
Đối với những cán bộ khoa học, kỹ thuật, làm sao phát hiện trong số họ
những người có những năng lực sáng tạo cao để sử dụng?
Trước hết, có thể dựa trên những đánh giá của các đồng nghiệp. Sự đánh
giá này không chỉ bằng những lời nhận xét mà bằng những việc làm mà
người đó đạt được, phản ánh sự đánh giá cao của các đồng nghiệp. Ví dụ,
người đó có nhiều công trình đăng trong những tạp chí hàng đầu thế giới,
chứng tỏ những phản biện (những đồng nghiệp trình độ cao) đánh giá các
công trình đó có chất lượng tốt mới cho đăng. Cao hơn nữa, người đó có
nhiều công trình là các bài báo, được ban biên tập các tạp chí uy tín mời