Khi chúng ta khẳng định: “Ổn định tạo điều kiện cho phát triển và phát
triển làm cho mức độ ổn định tăng lên” là chúng ta nói về sự thống nhất
giữa quan hệ phản hồi âm và dương.
Ngược lại, sự ổn định quá cứng nhắc sẽ làm triệt tiêu sự phát triển. Hoặc
sự tăng trưởng không dựa trên sự ổn định, củng cố những gì đạt được có thể
dẫn đến sự hỗn loạn, vô chính phủ.
Nếu như có những quan hệ phản hồi, tồn tại rất nhiều năm, được chọn lọc
tự nhiên, xã hội giữ lại (kiểu như giữ ổn định thân nhiệt, đường, ôxy trong
máu, huyết áp hoặc các định chế dân chủ của xã hội hiện đại như bầu cử tự
do, trưng cầu dân ý...) thường được coi là tốt, thì cũng có những quan hệ
phản hồi cụ thể bị xem là xấu. Chẳng hạn, bạn đọc hãy đọc các ví dụ dưới
đây và tự phân tích, xem trong mỗi ví dụ có loại quan hệ phản hồi nào,
không thích hợp ra sao?
1. Một em học sinh học kém nên buồn. Buồn làm em học kém hơn. Học
kém hơn lại làm em buồn hơn nữa...
2. Có một cộng đồng, ở đó thực hiện quy tắc sau: Mỗi người phải có thu
nhập X đôla mỗi tháng. Người có thu nhập vượt quá X đôla bị cộng đồng
thu phần thừa. Người có thu nhập chưa tới X đôla được bù phần thiếu.
3. Một đứa bé được chăm sóc kỹ đến mức chỉ được quanh quẩn trong nhà
nhiều năm liền.
4. Một người đi xe vượt đèn đỏ, do vậy, đi trước những người khác. Điều
này làm xuất hiện thêm một số người cũng vượt đèn đỏ và cứ như thế, số
lượng những người vượt đèn đỏ càng ngày, càng đông...
5. Bàn nhậu bên này nói đùa bàn nhậu bên kia một câu. Bàn nhậu bên kia
đùa lại và cứ như thế hai bên đùa qua, đùa lại với mức độ ngày càng nặng
hơn... để cuối cùng kết thúc bằng án mạng.
6. Một người ăn nhiều hơn bình thường nên lên cân. Trọng lượng cơ thể
nặng hơn đòi hỏi ăn nhiều hơn, lại lên cân nữa...
7. “Được voi, đòi tiên”. “Được đằng chân, lân đằng đầu”.