Chúng ta hãy giả sử rằng, cá nhân sống trong hoàn cảnh xã hội, được mô
tả trên Hình 79: Sự cộng hưởng của cá nhân và xã hội, thì nhân cách được
hình thành như thế nào?
Để thực hiện một hành động nhất định, cá nhân phải có những điều kiện
khách quan và phải tốn một năng lượng cơ thể thích hợp. Thực tế cho thấy,
có những người hoàn toàn khỏe mạnh với đầy đủ các điều kiện khách quan
thích hợp nhưng vẫn không hành động, bởi vì họ thiếu động cơ hoặc/và mục
đích của hành động đó. Mục đích của hành động là hình ảnh của kết quả, mà
cá nhân mong muốn đạt được nhờ hành động của mình, nhằm thỏa mãn các
nhu cầu của cá nhân. Động cơ là hiện tượng tâm lý mang tính hệ thống, có
sức mạnh thúc đẩy thực hiện hành động cho trước. Trên thực tế, trong nhiều
trường hợp, động cơ và mục đích không bị tách riêng mà còn được xem là
trùng nhau. Vì, trong những trường hợp đó có được sự nhất quán rõ ràng:
Động cơ thúc đẩy hành động về phía thỏa mãn nhu cầu và phía đó cũng
trùng với mục đích đề ra.
Nhìn theo quan điểm hệ thống, động cơ, mục đích và hành động là các hệ
thống, gồm nhiều hệ thống con tạo nên và thay đổi theo thời gian. Ngoài ra,
động cơ, mục đích và hành động còn liên kết với nhau, hiểu theo nghĩa ảnh
hưởng, phụ thuộc và tác động lẫn nhau.
Để biết, hiểu một người, điều quan trọng là chúng ta cần tìm hiểu xem
người đó đã kịp làm được những gì trên đường đời với tư cách là một thành
viên của xã hội. Nhưng còn quan trọng hơn, chúng ta còn cần phải hiểu
hướng đi của người đó trong tương lai. Tập hợp các động cơ ổn định, định
hướng hoạt động của nhân cách và chúng làm việc tương đối độc lập với các
hoàn cảnh hiện có bên ngoài là xu hướng của nhân cách con người. Xu
hướng của nhân cách cho biết con người đó sống và hoạt động trong xã hội
hướng tới cái gì, vì cái gì, bằng những việc làm nào có thể đạt được mục
đích cuộc sống do mình đặt ra. Nói cách khác, xu hướng là đặc trưng chủ
đạo của nhân cách. Xu hướng nhân cách thể hiện dưới các hình thức
“mạnh” dần lên như sau: