người viết giải thích) nhiều bao nhiêu thì nhân cách đó càng có ý nghĩa bấy
nhiêu”. L.N. Tôlxtôi cũng khẳng định: “Người tốt nhất là người sống, chủ
yếu, bằng các ý nghĩ của mình (có tư duy độc lập – người viết giải thích) và
bằng các xúc cảm của những người khác (thông cảm, đau nỗi đau của những
người khác, biết chia sẻ, vị tha... – người viết giải thích). Loại người xấu
nhất là người sống bằng các ý nghĩ của người khác (nghĩ theo, ăn theo tư
duy của người khác – người viết giải thích) và bằng các xúc cảm của chính
mình (ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa – người viết giải thích). Tổ hợp của bốn cơ
sở, động cơ hoạt động nói trên tạo ra sự khác nhau của mọi người”. Hai
loại người nằm giữa những người tốt nhất và xấu nhất là những người sống
bằng các ý nghĩ của mình và các xúc cảm của mình; những người sống bằng
các ý nghĩ của người khác và các xúc cảm của người khác (người viết giải
thích thêm).
Bạn hãy thử tìm hiểu các đặc điểm nhân cách của “Cô bé bán rau và mấy
ngài giám đốc” qua ghi nhận của Phạm Chi Lan, đăng trên báo Tuổi Trẻ
ngày 10/7/2004:
○ Sáng sớm, như thường lệ, tôi ra chợ mua vài thứ để chuẩn bị bữa cơm gia đình. Cô bé hàng rau
quen, chào bán cho tôi với giọng buồn bã: “Cô ơi, thứ này nhà cháu trồng được, cháu bán cho cô như
giá mọi khi, nhưng thứ này thì cháu phải mua, hôm nay giá lại lên rồi. Cô thông cảm mua hộ cháu...”.
Tội nghiệp, cô bé cứ tỏ ra áy náy, ân hận cứ như cô có lỗi khi phải bán đắt hơn vài trăm đồng một mớ
rau cho khách hàng của mình.
Đến cơ quan, mở báo ra đọc lại thấy tin mấy ngài tổng giám đốc, giám đốc mấy đơn vị quốc doanh
lớn bị đình chỉ công tác, bị điều tra vì làm thất thoát, thua lỗ hàng trăm tỉ đồng, lòng tôi đau thắt lại vì
buồn, vì giận. Chẳng hiểu những vị tổng giám đốc, giám đốc được đào tạo, được tin cậy để đặt lên
những chiếc ghế đầy quyền uy, để nắm trong tay những tài sản khổng lồ đó có lúc nào cảm thấy ân
hận, vì đã để mất hoặc cướp mất biết bao đồng tiền mồ hôi, nước mắt của những người dân lành đã
chắt chiu đóng thuế tạo nên không? Và cả những người có liên quan, có trách nhiệm trong việc trao
quyền và tiền cho họ, rồi vô tình hay cố ý để họ tự tung tự tác hàng bao năm trời, làm mất đi những
khoản tiền đủ để xóa đói giảm nghèo cho hàng vạn gia đình..., những người đó liệu có lúc nào cảm
thấy áy náy vì đã không làm trọn phận sự của mình không?