như biết chia sẻ vui, buồn, tôn trọng em, em rất mừng khi gặp những người
đó và có những hành động để số lần gặp nhau nhiều hơn. Ngược lại, đối với
những người không làm em thỏa mãn nhu cầu, như coi thường, chọc phá,
bắt nạt em, em thấy khó chịu, ghét và tìm cách tránh mặt. Thông thường, cá
nhân có khuynh hướng cực đại hóa các xúc cảm dương và cực tiểu hóa các
xúc cảm âm. Rõ ràng, các xúc cảm dương làm cá nhân cảm thấy hạnh phúc
hơn các xúc cảm âm. Ở đây, “dương” không có nghĩa là tốt, “âm” không có
nghĩa là xấu. Việc đánh giá tốt, xấu theo nghĩa đạo đức xã hội, đối với xúc
cảm và hành động cần theo khái niệm “phạm vi áp dụng” (xem mục 1.2.
Một số khái niệm cơ bản và các ý nghĩa của chúng trong quyển một).
Ngoài ra còn có những xúc cảm trung tính, hiểu theo nghĩa, chúng vẫn
được chủ thể cảm nhận nhưng không cho chủ thể cảm giác thích thú do thỏa
mãn nhu cầu hoặc không thích thú do không thỏa mãn nhu cầu. Dưới đây là
một số xúc cảm dương, âm và trung tính:
1. Các xúc cảm dương: Khoái trá, sung sướng, hoan lạc, hân hoan, khâm
phục, tự hào, tự hài lòng, tự tin, tin cậy, kính trọng, cảm tình, tình dục, tình
yêu, biết ơn, lương tâm thanh thản, sự nhẹ nhõm tâm hồn, cảm giác an toàn,
vui sướng trên đau khổ người khác, thỏa mãn sau khi báo thù...
2. Các xúc cảm âm: Không hài lòng, đau khổ, buồn tủi, chán nản, thất
vọng, lo lắng, sợ hãi, tiếc rẻ, thương hại, thông cảm, tự ái, cáu, giận, cảm
thấy bị sỉ nhục, không cảm tình, ghen tỵ, nghi ngờ, căm thù, không tin cậy,
cảm thấy khó xử, ngượng, xấu hổ, hối hận, lương tâm cắn rứt, kinh tởm...
3. Các xúc cảm trung tính: Dửng dưng, lãnh đạm, thờ ơ và gồm cả tò mò,
ngạc nhiên, sửng sốt... nếu không kèm theo sự thích thú hay không thích thú,
sự hài lòng hay không hài lòng.
Thống kê cho thấy các xúc cảm âm nhiều hơn xúc cảm dương. Có lẽ, điều
này cũng phản ánh hệ quả của phương pháp thử và sai, phương pháp tạo ra
sự tiến hóa, phát triển, có tuổi xưa như Trái Đất: Sau nhiều lần sai (xúc cảm
âm) mới có lời giải (xúc cảm dương).