cách có ý thức hoặc không ý thức, luôn lồng các quyền lợi (nhu cầu), xúc
cảm, thói quen tự nguyện, hành động vào suy nghĩ của mình. Ví dụ, bài toán
này mình chịu suy nghĩ vì giải được nó nhu cầu cấp bách của mình sẽ được
thỏa mãn, bài toán kia thì không. Sự hứng thú thường làm cho suy nghĩ trở
nên phong phú, dễ dàng phát nhiều ý tưởng, còn sự buồn rầu, chán nản thì
không. Những thói quen tự nguyện thúc đẩy cách suy nghĩ quen thuộc là
kinh nghiệm của quá khứ thường cản trở phát những ý tưởng đúng cho
những bài toán loại mới. Các hành động tác động lên tư duy cũng tương tự
như vậy.
Chưa kể, phần mềm T thử và sai, chủ yếu, mang các ích lợi chung đối
với toàn nhân loại, lại rất kém hiệu quả đối với từng cá nhân (vì tổng số các
phép thử của nhân loại có, lớn hơn nhiều lần số lượng các phép thử mỗi cá
nhân có), nên mỗi người cũng không mặn mà lắm với tư duy. Về điều này,
bạn đọc có thể xem lại mục nhỏ 4.2.7. Sáng tạo mức cao: Cuộc chạy tiếp
sức của phương pháp thử và sai, và sự cần thiết sáng chế ra PPLSTVĐM
của quyển một.
5.7.4. Các khả năng to lớn của tư duy
Cho đến nay, các khả năng to lớn của tư duy đã thể hiện trên nhiều mặt, rõ
nhất là ở mức độ toàn nhân loại. Ví dụ, nhờ tư duy sáng tạo, con người thoát
khỏi thế giới động vật thông qua các phát minh, sáng chế của mình (xem
mục 1.3. Sáng tạo của con người: Nhìn từ nhiều góc độ của quyển một). Ở
đây, người viết dẫn thêm ý kiến minh họa của B.M. Keđrov: “Khoa học có
mục đích nhận thức các quy luật tự nhiên (các phát minh – người viết giải
thích) tồn tại khách quan, độc lập đối với con người và nhân loại; độc lập
với ý thức và ý chí của mọi người; độc lập với các quyền lợi, mục đích và ý
định của họ. Kỹ thuật sử dụng các quy luật tự nhiên đã được khoa học nhận
thức vào các mục đích ứng dụng, tiện ích (làm các sáng chế – người viết giải
thích) cho xã hội... tạo ra sự tiến bộ vượt hơn hẳn những gì mà tự nhiên
cung cấp”.
Các khả năng to lớn của tư duy còn được thể hiện ở sự thống nhất khá cao
toàn nhân loại trong đánh giá, tôn vinh, thực thi các chính sách và các biện