Khi quan sát các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, cũng như xã hội,
chúng ta thấy rằng các sự vật và hiện tượng đó luôn tác động qua lại với
nhau. Muối hạt tồn tại trong môi trường ẩm sẽ chảy thành nước muối. Ánh
nắng chiếu vào lá cây sẽ sinh ra hiện tượng quang hợp. Rễ cây hút các chất
dinh dưỡng trong đất mà lớn lên... Chính qua những sự tác động qua lại đó,
sự vật bộc lộ ra những tính chất của mình: Muối có tính chất hòa tan trong
nước, lá cây có tính quang hợp, rễ cây có tính năng hút chất dinh dưỡng có
trong đất... Tất cả những tính chất đó được khái quát trong quan niệm thuộc
tính. Thuộc tính là những tính chất của sự vật, là những cái vốn có của sự
vật đó. Nhưng những tính chất (thuộc tính) của sự vật chỉ bộc lộ ra bên
ngoài qua sự tác động qua lại của sự vật mang tính chất (thuộc tính) đó với
các sự vật khác. Thí dụ, tính dẫn nhiệt, dẫn điện, khả năng dát mỏng, kéo
thành sợi... là tính chất (thuộc tính) của hầu hết mọi kim loại. Song, tính dẫn
điện chỉ bộc lộ ra khi thanh kim loại được đặt trong sự chênh lệch về điện
áp; tính dẫn nhiệt chỉ bộc lộ khi có sự chênh lệch nhiệt độ trên thanh kim
loại đó. Do vậy, để nhận thức được các tính chất (thuộc tính) của sự vật,
chúng ta phải nhận thức qua các mối quan hệ giữa sự vật đó với các sự vật
khác.
Trong số các thuộc tính (các tính chất) đó có một số có thể thay đổi, thậm
chí mất đi, nhưng sự vật vẫn là nó. Do vậy, bản thân các thuộc tính của sự
vật là biểu hiện của một cái gì đó căn bản hơn, chính cái đó đặc trưng cho sự
vật. Cái căn bản hơn đó chính là chất của sự vật.
Từ những điều trình bày trên đây có thể rút ra kết luận rằng, theo quan
điểm duy vật biện chứng, chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ tính
quy định khách quan vốn có của sự vật và hiện tượng, là sự thống nhất hữu
cơ các thuộc tính làm cho nó là nó mà không phải là cái khác.
Đặc trưng khách quan nói trên quy định phương thức nhận thức của con
người đối với chất của sự vật. Để nhận thức được những thuộc tính, từ đó
nhận thức được chất của sự vật, chúng ta cần nhận thức nó trong mối quan
hệ giữa các sự vật. Trong mối quan hệ cụ thể thường bộc lộ ra một thuộc
tính (một khía cạnh về chất) của sự vật. Do vậy, để nhận thức được chất với