Sự thay đổi về chất là kết quả của sự thay đổi về lượng khi đạt tới điểm
nút. Sau khi ra đời, chất mới có tác động trở lại sự thay đổi của lượng. Chất
mới có thể làm thay đổi quy mô tồn tại của sự vật, làm thay đổi nhịp điệu
của sự vận động và phát triển của sự vật đó. Chẳng hạn, chúng ta không thể
dùng chai một lít (thể tích của nó đủ để chứa hết một lít nước ở trạng thái
lỏng) để chứa hết một lít nước sau khi đã cho lít nước đó hóa hơi. Tốc độ
vận động của phân tử nước ở trạng thái hơi cao hơn rất nhiều so với tốc độ
vận động của phân tử đó trong trạng thái lỏng...
Các hình thức của bước nhảy:
Sự thay đổi về chất của sự vật hết sức đa dạng, với nhiều hình thức bước
nhảy khác nhau. Tính chất của các bước nhảy được quyết định bởi tính chất
của bản thân sự vật, bởi những mâu thuẫn vốn có của nó, bởi điều kiện trong
đó diễn ra sự thay đổi về chất.
Nhìn chung, có một số loại bước nhảy cơ bản như: bước nhảy đột biến và
bước nhảy dần dần, bước nhảy toàn bộ và bước nhảy cục bộ...
Sự phân chia ra bước nhảy đột biến và bước nhảy dần dần vừa dựa trên
thời gian của sự thay đổi về chất, vừa dựa trên tính chất của bản thân sự
thay đổi đó. Những bước nhảy được gọi là đột biến khi chất của sự vật biến
đổi một cách nhanh chóng ở tất cả các bộ phận cơ bản cấu thành của nó.
Chẳng hạn, khi tăng khối lượng Uranium 235 (Ur 235) đến một mức độ cần
thiết được gọi là khối lượng tới hạn (khoảng gần 1 kg) thì sẽ xảy ra phản
ứng dây chuyền, xảy ra vụ nổ nguyên tử ngay trong chốc lát.
Những bước nhảy được thực hiện một cách dần dần là quá trình thay đổi
về chất diễn ra bằng con đường tích lũy dần dần những nhân tố của chất mới
và mất đi dần dần những nhân tố của chất cũ.
Bước nhảy dần dần là một quá trình phức tạp, trong đó có cả những quá
trình tuần tự lẫn những bước nhảy cục bộ.
Như vậy, sự khác nhau giữa hai loại bước nhảy vừa nêu thể hiện không
chỉ ở thời gian diễn ra sự thay đổi về chất, mà cả ở cơ chế của sự thay đổi
đó.