Chính sự tác động qua lại tạo thành nguồn gốc của sự vận động và phát
triển. Mâu thuẫn là sự tác động lẫn nhau của các mặt, các khuynh hướng đối
lập. Sự tác động qua lại, sự đấu tranh của các mặt đối lập quy định một cách
tất yếu những thay đổi của các mặt đang tác động qua lại cũng như của sự
vật nói chung, nó là nguồn gốc vận động và phát triển, là xung lực của sự
sống. Chẳng hạn, bất kỳ một sinh vật nào cũng chỉ có thể tồn tại và phát
triển được khi có sự tác động qua lại giữa đồng hóa và dị hóa. Sự tiến hóa
của các giống loài không thể có được, nếu không có sự tác động qua lại giữa
di truyền và biến dị. Tư tưởng, nhận thức của con người không thể phát
triển, nếu không có sự cọ sát thường xuyên với thực tiễn, không có sự tranh
luận để làm rõ đúng sai...
Sự vận động và phát triển bao giờ cũng là sự thống nhất giữa tính ổn định
và tính thay đổi. Thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập quy định tính
ổn định và tính thay đổi của sự vật. Do vậy, mâu thuẫn chính là nguồn gốc
của sự vận động và sự phát triển.
Mâu thuẫn là một hiện tượng khách quan và phổ biến, nó tồn tại ở trong
tất cả các sự vật và hiện tượng, ở mọi giai đoạn tồn tại và phát triển của sự
vật và hiện tượng. Nhưng, ở các sự vật khác nhau, ở các giai đoạn phát triển
khác nhau của một sự vật, ở mỗi lĩnh vực, mỗi yếu tố cấu thành một sự vật
sẽ có những mâu thuẫn khác nhau.
Phân loại mâu thuẫn:
Mâu thuẫn trong tự nhiên, trong xã hội và trong tư duy hết sức đa dạng.
Tính đa dạng của các mâu thuẫn được quy định một cách khách quan bởi
đặc điểm của các mặt đối lập, bởi điều kiện mà trong đó sự tác động qua lại
giữa các mặt đối lập được triển khai bởi trình độ tổ chức của hệ thống (sự
vật) mà trong đó mâu thuẫn tồn tại.
Căn cứ vào quan hệ giữa các mặt đối lập đối với một sự vật, người ta
phân loại các mâu thuẫn thành những mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn
bên ngoài.