nữa của sự vật, sự chuyển hóa của nó sang giai đoạn tồn tại khác của mình
phụ thuộc vào việc giải quyết mâu thuẫn chủ yếu.
Mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn chủ yếu có quan hệ chặt chẽ với nhau,
trong đó, mâu thuẫn chủ yếu có thể là một hình thức biểu hiện nổi bật của
mâu thuẫn cơ bản hay là kết quả vận động tổng hợp của các mâu thuẫn cơ
bản ở một giai đoạn nhất định; việc giải quyết mâu thuẫn chủ yếu tạo điều
kiện giải quyết từng bước mâu thuẫn cơ bản.
Từ những điều trình bày trên đây, có thể nêu thực chất quy luật thống nhất
và đấu tranh giữa các mặt đối lập như sau: Mọi sự vật và hiện tượng đều
chứa đựng những mặt, những khuynh hướng đối lập tạo thành những mâu
thuẫn trong bản thân mình; sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập
tạo thành xung lực nội tại của sự vận động và phát triển, dẫn tới sự mất đi
của cái cũ và sự ra đời của cái mới.
3) Quy luật phủ định của phủ định (để ngắn gọn, người viết sẽ gọi là
“quy luật về phủ định”) – The Law of the Negation of Negation.
Trong ý thức thông thường, khái niệm “phủ định” thường được thể hiện
bằng từ “không”; phủ định có nghĩa nói “không”, bác bỏ một cái gì đó.
Trong phép biện chứng, phủ định được xem là nhân tố của sự phát triển. Do
vậy, khái niệm phủ định có ý nghĩa sâu sắc hơn so với cách sử dụng trong
đời thường. Để đặc trưng cho điều đó, người ta đưa khái niệm phủ định biện
chứng (Dialectical Negation).
Phủ định biện chứng là quá trình tự thân phủ định, tự thân phát triển, là
mắt khâu trên con đường dẫn tới sự ra đời của cái mới, tiến bộ hơn so với
cái bị phủ định.
Phủ định biện chứng có hai đặc trưng cơ bản sau đây: Thứ nhất, nó mang
tính khách quan, là điều kiện của sự phát triển; thứ hai, nó mang tính kế
thừa, là nhân tố liên hệ giữa cái cũ và cái mới.
Phủ định biện chứng là quá trình mang tính khách quan do mâu thuẫn của
bản thân sự vật tự quy định. Hơn nữa, phương thức phủ định sự vật cũng
không tùy thuộc ý muốn của con người. Khi đề cập tới vấn đề này, chúng ta