4) Các phạm trù (xem 8.3.1. Nội hàm, ngoại diên, mở rộng và thu hẹp
khái niệm)
Các khái niệm triết học chung nhất (các phạm trù) chính là hình thức thể
hiện các thành phần cấu trúc (yếu tố, bộ phận) của phép biện chứng: Các
nguyên lý lý thuyết, các quy luật, các nguyên lý phương pháp luận. Nguyên
lý thể hiện trong các quy luật và các phạm trù, các quy luật – trong các phạm
trù. Ví dụ, mỗi một quy luật là sự liên kết tương hỗ một số phạm trù triết học
nhất định như các phạm trù “lượng”, “chất”, “độ”, “bước nhảy” trong quy
luật về lượng–chất. Nói cách khác, suy đến cùng, nguyên lý cũng thể hiện
trong các phạm trù. Do vậy, cũng có thể coi, nguyên lý thể hiện trong tập
hợp các phạm trù và các phạm trù là các viên gạch của phép biện chứng,
hiểu theo nghĩa, các viên gạch đó kết nối với nhau để tạo thành các bộ phận
khác nhau của phép biện chứng: quy luật, nguyên lý.
Mỗi phạm trù triết học, phản ánh một khía cạnh (phương diện, mặt hoặc
tính chất) của hiện thực. Nó không tách rời hoàn toàn với những khía cạnh
khác. Ở đây, có sự liên hệ tất yếu, ổn định, lặp lại giữa khía cạnh cho trước
với các khía cạnh khác. Do vậy, mỗi phạm trù còn mang ý nghĩa quy luật
nhất định.
Sự khác nhau cơ bản giữa các quy luật và các phạm trù ở chỗ, khi nói về
các quy luật, chúng ta nhấn mạnh “sự liên hệ” giữa các khía cạnh. Còn khi
nói về các phạm trù, chúng ta nhấn mạnh “các khía cạnh” mà giữa chúng có
sự liên hệ.
Để vận dụng phép biện chứng vào lĩnh vực chuyên ngành, về đại thể,
cần thực hiện các bước sau:
1) Xác định đối tượng nghiên cứu, chức năng, các đặc thù của lĩnh vực
chuyên ngành cho trước.
2) Trên cơ sở các kết quả thu được ở bước một, xác định các yếu tố (các
nguyên lý lý thuyết, quy luật, nguyên lý phương pháp luận, phạm trù) của
phép biện chứng phù hợp với chuyên ngành cho trước.