11) Trên thực tế, có nhiều công việc thường bị coi là những công việc
nhỏ, hiểu theo nghĩa, chỉ cần một hoặc vài động tác đơn giản, dễ dàng là
thực hiện xong công việc đó một cách trọn vẹn, mà không cần phải học, phải
có những kiến thức nhất định; công việc không quan trọng, không làm thì
cũng không có vấn đề gì, có thể bỏ qua; công việc, nếu không làm thì cũng
không thấy ai nhắc nhở, phê phán hoặc trừng phạt gì; công việc bị nhiều
người coi là nhỏ. Trong khi đó, nhìn theo quan điểm hệ thống, không có
công việc nào là công việc nhỏ.
Nếu coi công việc là hệ thống thì bất kỳ công việc nào (kể cả những công
việc được xem là nhỏ theo cách hiểu nói trên) đều bao gồm nhiều hệ dưới
(các công việc nhỏ hơn, cụ thể hơn) liên kết với nhau. Mỗi hệ dưới (mỗi
công việc nhỏ hơn, cụ thể hơn) lại bao gồm nhiều hệ dưới nữa (các công
việc nhỏ hơn nữa, cụ thể hơn nữa) liên kết với nhau... cho đến các yếu tố
(các thao tác không thể chia nhỏ thêm nữa) liên kết với nhau (xem điểm 12
của mục nhỏ 10.2.1. Một số khái niệm cơ bản và ý tưởng chung về hệ
thống).
Từ đây có thể có hai thái độ dẫn đến hai cách thực hiện công việc cho
trước: Thứ nhất, nếu coi công việc cho trước là nhỏ, người thực hiện không
cần phải để ý và phối hợp (tạo các mối liên kết thích hợp) các tiểu tiết không
chia nhỏ thêm nữa (các yếu tố) của công việc, mà thực hiện công việc đó
ngay lập tức, một cách trọn gói.
Thứ hai, nếu coi công việc cho trước là hệ thống, ít nhất, người thực hiện
phải để ý và phối hợp (tạo các mối liên kết thích hợp) đến tận các yếu tố của
công việc để công việc cho trước như là hệ thống có tính toàn thể tốt nhất,
tính đến các mối liên kết giữa công việc cho trước và các công việc khác,
hiệu ứng lan tỏa. Người viết dùng từ “ít nhất”, vì thực ra người thực hiện
cần sử dụng tư duy hệ thống nói chung khi thực hiện bất kỳ công việc nào.
Ví dụ, người nào coi rửa tay là chuyện nhỏ thì sẽ rửa một cách qua quýt,
đại khái, được chăng hay chớ. Người coi công việc rửa tay là hệ thống sẽ
phân tích nó thành những động tác đơn giản nhất (các yếu tố) và phối hợp
chúng với nhau (tạo ra các mối liên kết thích hợp theo không gian, thời gian)