Bàn học được bố mẹ sắm đúng chuẩn về chiều cao, kích cỡ, ngoài ngọn
đèn tuýp 1,2 m treo trên tường còn có đèn bàn hẳn hoi. Thế nhưng thằng
nhóc cứ cúi gằm mặt xuống trang vở. Đã thế khi viết bài, cả bàn tay cậu úp
hẳn xuống mặt bàn, năm ngón tay cùng chụm lại, điều khiển cây bút một
cách khổ sở.
Chị bạn đứng kế bên, chê: “Viết chậm rì mà chữ có đẹp đâu”. Tôi hỏi:
“Ai dạy cháu cách cầm bút?”. Cậu bé cười hiền lành: “Tự con nghĩ ra cách
chứ đâu có ai dạy!”. Tôi thắc mắc: “Ngồi học cúi sát như thế mắt dễ tăng
độ lắm”. Cậu bé lại cười: “Con quen rồi!”. Thì ra đó giờ cậu bé chưa được
hướng dẫn, chưa được rèn luyện về tư thế ngồi viết và cách cầm bút.
Chợt nhớ những ngày đầu tiên cắp sách đến trường của mình... cách đây
hơn 20 năm. Hồi ấy cô giáo lớp vỡ lòng ở trường làng đã rất khắt khe trong
việc rèn cho chúng tôi cách cầm bút. Trong giờ tập viết, cô cứ đi lên đi
xuống liên tục và luôn miệng nhắc: “Liên, ngồi thẳng lưng lên”, “Thủy,
không được tì ngực vào bàn”, “Minh, hơi cúi đầu thôi, làm gì cứ nhìn sát
xuống mặt bàn thế?”...
Bản thân tôi hồi ấy cũng bị phạt mấy lần vì cái tội tay trái không giữ mép
vở. Cậu bạn ngồi kế bên tôi thì bị khẻ thường xuyên bởi cậu ta chỉ cầm bút
bằng hai ngón tay trong khi cô bắt “phải cầm bằng ba ngón tay, làm sao cho
cán bút nghiêng về bên phải”.
Chúng tôi được nhắc đi nhắc lại chuyện này trong suốt năm học lớp 1 chứ
không phải chỉ đầu năm. Tôi vẫn còn nhớ cột điểm tập viết đầu tiên cô đã
không chấm chữ xấu hay đẹp mà chấm “ai ngồi viết đúng nhất”. Bây giờ có
lẽ giáo viên bị áp lực công việc nhiều nên quên đi những kiến thức, kỹ năng
nền tảng cần rèn luyện đối với một HS?
Và tôi lại liên tưởng đến những hình ảnh quen thuộc của các kỳ thi văn
hay chữ tốt, thi viết chữ đẹp: Rất nhiều (nếu không muốn nói là đa số) HS
cứ cúi rạp xuống mặt bàn hí hoáy từng con chữ...” (Bài “Cầm bút” của An
Hòa, đăng trên báo “Tuổi Trẻ”, ra ngày 15/4/2006).