¤ “Em gái tôi học lớp 10. Hôm qua đi đón em trễ, tôi thấy em mình ngồi
với một cô bạn đang ăn chè ở cổng trường. Hai vạt áo dài cuộn lại, hai ống
quần xắn ngược lên lộ cả bắp chân trắng hếu ra ngoài, chân chạng he, trông
rất xấu xí.
Tôi góp ý: “Con gái lớn rồi, ai lại ngồi hớ hênh thế!”.
Em tôi lý luận: “Cô giáo em cũng ngồi thế mà!”. Em kể: “Khi nào nói
chuyện với phụ huynh nam thì cô ngồi vắt chéo hai chân trông đàng hoàng,
thanh lịch lắm. Còn nếu tiếp phụ huynh nữ thì cô cũng xắn ngược ống quần
lên bắp chân, rồi hai chân xoài rộng như vậy”.
Cô bạn ngồi cạnh được thể kể thêm một loạt. Nào là “Cô giáo dạy sinh
còn mặc chiếc áo cổ rộng mênh mông, cúi xuống ký sổ đầu bài là thấy hết
tất tần tật”. Nào là “Cô dạy hóa toàn mặc vải voan kính, trông rõ từng ngấn
bụng, trông rõ cả hoa văn nội y”.
Em tôi “tố cáo” thêm: Nữ sinh mặc áo dài cổ trích hở khoảng 2 – 3 cm là
bị giám thị gọi xuống phòng kiểm điểm về tội làm hỏng vẻ đẹp truyền thống
của dân tộc. Trong khi đó, rất nhiều cô giáo mặc áo dài không có cổ hay cổ
thuyền... “Em hỏi chị, thế các cô có làm mất truyền thống dân tộc không?”.
Tôi giật mình, không giải thích được. Chỉ thầm biện minh cho các cô
giáo: chắc các cô cứ nghĩ rằng HS còn trẻ con lắm!
Nhưng nếu để cho HS bình luận về tư cách của mình qua những chuyện
nhỏ nhặt như thế này thì có lẽ các cô cũng không nên cứ mãi... vô tư!” (Bài
“Chiếc áo của cô giáo” của Trần Thu, đăng trên báo “Tuổi Trẻ”, ra ngày
8/5/2006).
¤ “Khùng quá”. Chị Hai tôi luôn miệng cằn nhằn như vậy mỗi khi trông
thấy cậu em út của tôi từ Đan Mạch mới trở về thăm quê hương làm điều gì
đó mà theo chị Hai là “không giống ai”.
Đi tắm biển ở Vũng Tàu, trong khi mọi người khiêng đồ đạc lên xe ra về,
nó lại hì hục khiêng hai bịch rác to tướng lên xe. Chị Hai tôi la lên: “Khùng
quá, sao lại tha rác về nhà”. Nó gãi đầu: “Không thể xả rác ra bãi biển, vả
lại tìm hoài cũng không thấy thùng rác đâu”.