Ví dụ, “Thơ là thơ, không phải là văn xuôi”, “Tranh của Picasso là tuyệt
tác, vì ông là họa sỹ vĩ đại; Picasso là họa sỹ vĩ đại vì các bức tranh của
ông ấy là tuyệt tác”.
4) Định nghĩa phải dễ hiểu đối với người cần sử dụng.
Điều này có nghĩa, phần dùng để định nghĩa phải gồm các khái niệm, mà
người cần sử dụng đã biết và hiểu trước đó. Đồng thời, phần dùng để định
nghĩa không có những hình ảnh, biểu tượng mang tính ẩn dụ, đa nghĩa hoặc
tối nghĩa.
Ví dụ, định nghĩa kiểu: “Trẻ em là hoa của cuộc sống”, “Kiến trúc là âm
nhạc ở thể tĩnh”, “Cơ hội đang đến với chúng ta là cơ hội để chúng ta trở
thành Thánh Gióng” là vi phạm quy tắc này.
5) Định nghĩa không thể là phủ định.
Bởi vì, khi phủ định khái niệm nào đó, người ta chưa khẳng định được
điều gì, nếu như ở đó có nhiều khái niệm ngang hàng. Ví dụ, “Đen không
phải là trắng”, nhưng không phải là trắng còn có rất nhiều màu sắc khác,
mà đen chỉ là một màu trong số đó.
6) Định nghĩa phải ngắn gọn, hiểu theo nghĩa, không chứa những thuộc
tính có thể suy ra lẫn nhau.
Ví dụ, định nghĩa “Tam giác đều là tam giác có ba cạnh bằng nhau, ba
góc bằng nhau và bằng sáu mươi độ” là thừa vì “tam giác có ba cạnh bằng
nhau” đủ để suy ra các thuộc tính kia.
7) Định nghĩa phải chứa đầy đủ các thuộc tính bản chất của khái niệm.
Đây là quy tắc không dễ thực hiện đối với tất cả các khái niệm. Bởi vì,
như đã nói ở phần trên, các thuộc tính bản chất của khái niệm phức tạp
không thể phát hiện đầy đủ và một lần là xong. Liệu bạn có thể nêu đầy đủ
hết các thuộc tính bản chất của các khái niệm như “người”, “kinh tế”, “xã
hội”, “hiện đại hóa”, “công bằng”, “dân chủ”, “văn minh”... được không?