trong tương lai; cũng như trong việc đánh giá tính hiện thực và các thời hạn
kỳ vọng hoàn thành sự kiện này hay sự kiện khác. Có ba loại mô hình cơ
bản được dùng trong dự báo học:
- Các mô hình lôgích.
- Các mô hình thông tin.
- Các mô hình toán học.
Khả năng nên sử dụng loại mô hình này hay loại mô hình khác và mức độ
hiệu quả của nó còn phụ thuộc vào đặc tính của đối tượng được dự báo.
Trong số các mô hình lôgích, các mô hình dự báo nhờ “sự tương tự lịch
sử” đã được sử dụng từ lâu. Chúng gần với ngoại suy. Những mô hình
này dựa trên kinh nghiệm lịch sử phát triển của hệ thống cho trước.
Kinh nghiệm lịch sử đó được sử dụng để mô tả điều có thể xảy ra trong
tương lai, trong các điều kiện, hoàn cảnh tương tự.
Dạng khác của mô hình hóa lôgích dựa trên hình ảnh phức hợp của hệ
thống tương lai dưới hình thức tài liệu mang tính mô tả, gọi là “kịch bản
tương lai”. Các kịch bản là các kết quả mang tính giả thiết của các sự kiện,
được trình bày với mục đích tập trung sự chú ý vào các quá trình nhân quả
và các quan điểm đòi hỏi ra những quyết định này hay những quyết định
khác. Kịch bản giống như câu chuyện kể về quá trình vận động tuần tự từ
hiện tại đến tương lai. Câu chuyện được xây dựng dựa trên sự nhấn mạnh,
chú ý những điểm mang tính bước ngoặt, mà những điểm đó có thể dẫn đến
các chuỗi tình tiết khác nhau của sự kiện.
Bất kỳ kịch bản nào cũng trả lời hai loại câu hỏi: Tình huống giả thiết này
hay tình huống giả thiết khác có thể nảy sinh tuần tự từng bước một như thế
nào? Tất cả những người tham gia vào giai đoạn cho trước trong kịch bản có
những phương án nào để cản trở, thay đổi hoặc thúc đẩy quá trình tiến triển
sự kiện?