trở lại xem xét những phương án lời giải đã bị loại bỏ để tránh bỏ sót hoặc
làm như yêu cầu của điểm a.
d) Nếu như chỉ còn lại một nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn, sau khi đã
cẩn thận loại bỏ các nhân tố khác, thì thường tìm ra phương án lời giải tốt
nhất trong số các phương án lời giải còn lại không khó lắm. Đấy chính là
quyết định cần ra.
e) Nếu như điều kiện cho phép, có thể sử dụng các phương pháp khoa học
(đặc biệt các phương pháp định lượng) đánh giá các phương án lời giải được
giữ lại, để tìm phương án tốt nhất trong số đó.
g) Nếu không, người giải phải dùng cách tiếp cận chủ quan để ra quyết
định.
Phương án lời giải “tối ưu”, “đúng” hoặc “tốt nhất” thu được trong cách
ra quyết định trình bày ở trên, rất nhiều khi, là lời giải trung dung, thỏa hiệp
(Compromise Solution) giữa các nhân tố có mâu thuẫn với nhau (xem các
mục nhỏ 9.4.2 và 9.4.3 của Chương 9: Tư duy biện chứng trong quyển sách
này). Các lời giải trung dung, thỏa hiệp thường có nội dung, nếu thực hiện
thì lợi về mặt này, thiệt về mặt khác hoặc được cái này, mất cái kia, miễn
sao, tính tổng thể lại, phương án lời giải được chọn tốt hơn tiền thân và cái
thiệt, cái trả giá chấp nhận được, hoặc bù trừ được.
Tư duy biện chứng nói chung, TRIZ nói riêng bổ sung yêu cầu cao hơn
trong việc ra quyết định. Phương án lời giải được chọn làm quyết định phải
là giải pháp giải quyết mâu thuẫn (chứ không dung hòa mâu thuẫn), để hai
mặt đối lập tuy mâu thuẫn đến mức loại trừ nhau nhưng đều cần để đạt mục
đích, trở nên thống nhất. Đấy là giải pháp hai bên cùng thắng (Win-Win
Solution).
Còn tư duy hệ thống bổ sung thêm yêu cầu gì cho việc ra quyết định? Nói
cách khác, nhìn theo quan điểm hệ thống phát triển bền vững, một quyết
định thỏa mãn những tiêu chuẩn gì thì được coi là tốt?