càng trở nên rõ ràng, chính xác. Một lần nữa, chúng ta cần nhớ lại luận điểm
“Chân lý luôn luôn là cụ thể” và khái niệm “Phạm vi áp dụng”.
Nói chung, thao tác lôgích định nghĩa phát huy tác dụng trong khoảng
giữa, bị chặn bởi đầu này là những đối tượng hiển nhiên không cần định
nghĩa và đầu kia là những đối tượng còn ít hiểu biết, chưa chín muồi để định
nghĩa. Ngoài ra, cần linh động trong việc sử dụng các hình thức định nghĩa
cho thích hợp, tùy theo hoàn cảnh và mục đích cụ thể. Ví dụ, trong trường
hợp cụ thể này cần dùng định nghĩa rõ ràng thông qua loài–giống. Trong
trường hợp cụ thể khác, định nghĩa dựa theo văn cảnh thích hợp hơn. Trong
trường hợp cụ thể khác nữa, định nghĩa bằng tiếp xúc trực tiếp lại đem đến
ích lợi nhiều nhất. Việc khăng khăng đòi hỏi chỉ sử dụng định nghĩa rõ ràng
thông qua loài–giống ở mọi nơi, mọi lúc là không phù hợp với sự đa dạng,
gặp trong thực tế.
8.3.4. Phân chia khái niệm
Phân chia khái niệm là thao tác lôgích làm rõ ngoại diên khái niệm,
bằng cách sắp xếp tất cả các đối tượng thuộc ngoại diên khái niệm bị
phân chia thành các nhóm (gọi là các bộ phận phân chia) theo những
dấu hiệu nhất định (gọi là cơ sở phân chia).
Ví dụ, các tam giác có thể phân chia thành các nhóm: Các tam giác nhọn,
các tam giác vuông, các tam giác tù (các bộ phận phân chia). Việc phân chia
tiến hành theo dấu hiệu (cơ sở phân chia): Đặc trưng góc của tam giác. Như
vậy, ngoại diên của khái niệm “tam giác” được phân chia thành ngoại diên
của các khái niệm: “Tam giác nhọn”, “tam giác vuông”, “tam giác tù”.
Trong trường hợp chung, khái niệm có ngoại diên bị phân chia chính là
khái niệm‐loài, còn các khái niệm mới, có được như là kết quả của việc phân
chia, là các khái niệm‐giống. Phân chia ngoại diên khái niệm‐loài thành các
khái niệm‐giống tức là đi tìm các dấu hiệu (cơ sở phân chia) mà những dấu