lưỡng cư, bò sát, chim và có vú. Ở đây, có sự “nhảy cóc”, bỏ qua khái
niệm‐giống “cá”, là khái niệm‐giống kế liền dưới khái niệm‐loài “động vật
có xương sống”.
Dưới đây là một số điểm lưu ý về phân chia khái niệm:
- Phân chia khái niệm là thao tác lôgích thường dùng trong lập luận. Khi
định nghĩa khái niệm, chúng ta tập trung làm rõ nội hàm của nó thông qua
các dấu hiệu (các thuộc tính bản chất) của đối tượng được định nghĩa. Thực
hiện phân chia khái niệm, chúng ta có được cái nhìn tổng quan, chi tiết hơn
về các đối tượng tạo nên ngoại diên của khái niệm. Như vậy, định nghĩa khái
niệm và phân chia khái niệm bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Ví dụ, với định nghĩa
khái niệm “tam giác”, bạn nhận dạng được tam giác thông qua các thuộc
tính bản chất của nó. Với phân chia khái niệm “tam giác”, bạn thấy được sự
đa dạng của tam giác như tam giác thường, cân, đều; tam giác nhọn, vuông,
tù.
- Cần phân biệt phân chia khái niệm với phân chia đối tượng nào đó một
cách “cơ học”. Ví dụ, cây phân chia thành cây lá rộng, cây lá kim, là phân
chia khái niệm (lôgích). Còn phân chia cây thành tán lá, thân và rễ là phân
chia “cơ học”. Phân chia “cơ học” là phân chia đối tượng ra các bộ phận
cấu thành. Trong đó, mỗi bộ phận cấu thành không phải là chính đối tượng:
Tán lá, thân và rễ đứng riêng không phải là cây. Cây lá rộng hoặc cây lá kim
đứng riêng, trong phân chia khái niệm, vẫn là cây.
- Phân loại, với tư cách là trường hợp riêng của phân chia lôgích, được sử
dụng rộng rãi trong khoa học. Cũng chính tại đây, người ta có được những
phân loại phức tạp, chặt chẽ và hoàn thiện nhất. Phân loại khoa học giúp hệ
thống hóa sự đa dạng, phát hiện các mối liên kết mang tính quy luật giữa các
đối tượng ngoại diên. Từ đó, các nhà nghiên cứu có những dự báo về các
tính chất của các đối tượng ngoại diên đã biết và cả về sự tồn tại những đối
tượng ngoại diên chưa biết cùng các tính chất của chúng. Một trong các ví
dụ tiêu biểu về phân loại khoa học là hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa