- Ngôn ngữ phục vụ nhiều mục đích. Do vậy, có những trường hợp, để đạt
mục đích, ngôn ngữ không quan tâm đến các thao tác lôgích, thậm chí, cố ý
tạo ra sự phi lôgích. Các mục đích loại này thường gặp trong văn học, quảng
cáo, chuyện vui, ngụy biện, nghịch lý.
- Ngôn ngữ do con người sáng chế ra và sử dụng hàng ngày, không chỉ
diễn tả ý nghĩ, mà còn phản ánh các hiện tượng tâm lý khác như nhu cầu,
xúc cảm, mong muốn (thói quen) tự nguyện (xem mục nhỏ 5.7.1. Mô hình
nhu cầu–hành động của quyển hai), nên rất chủ quan, mang tính chọn lọc.
Trong khi đó, tư duy lôgích có nhiệm vụ phản ánh đúng khía cạnh của hiện
thực khách quan, được con người suy nghĩ quan tâm.
Tính đến và chú ý sự khác nhau giữa các thao tác tư duy lôgích có sử
dụng ngôn ngữ với chính ngôn ngữ, giúp người suy nghĩ khai thác những
mặt mạnh của ngôn ngữ và lôgích, đồng thời tránh những sai lầm không
đáng có về ngôn ngữ và lôgích.
8.4.2. Các loại phán đoán
I. Phán đoán đơn
Phán đoán đơn là phán đoán chỉ có một chủ từ (một khái niệm) và một
thuộc từ (một khái niệm khác).
Dưới đây là một số cách phân loại của phán đoán đơn:
1) Phân loại phán đoán theo nội hàm của thuộc từ:
1a) Phán đoán thuộc tính là phán đoán về thuộc tính (dấu hiệu) của đối
tượng. Ví dụ, “Trái Đất có dạng cầu”.
1b) Phán đoán quan hệ là phán đoán chỉ ra quan hệ giữa các đối tượng
hoặc giữa các thuộc tính (dấu hiệu) của chúng. Ví dụ,”Trái Đất lớn hơn Mặt
Trăng”.