Các phán đoán phức có thể so sánh được là các phán đoán phức có
cùng số phán đoán đơn tạo thành và giống nhau, chỉ khác nhau về liên
từ lôgích.
Các phán đoán phức không so sánh được là các phán đoán phức vi
phạm các điều kiện đã nói ở trên.
8.5. Suy luận
8.5.1. Định nghĩa, cấu trúc và các dạng suy luận
Suy luận (còn gọi là suy lý) được xem là hình thức thứ ba của suy nghĩ,
cùng với hai hình thức khác là khái niệm và phán đoán, đã trình bày trong
các mục trước.
Suy nghĩ, giao tiếp của mọi người bằng ngôn ngữ trong đời sống và công
việc đòi hỏi phải có những phán đoán (câu ngôn ngữ) mang tính thuyết
phục. Nói cách khác, trừ những phán đoán là kết quả của linh tính (trực
giác) không nhận biết, các phán đoán phải có cơ sở hợp lý, giải thích được.
Có thể kể ra ba cơ sở hợp lý của các phán đoán:
1) Dựa trên kinh nghiệm của các giác quan như cảm giác, tri giác, biểu
tượng tâm lý (xem mục nhỏ 6.4.2. Tiếp thu thông tin và các mức độ hiểu của
quyển hai). Ví dụ, “Bông hoa này màu đỏ”, “Trời đang mưa”.
2) Dựa trên sự quy ước, thỏa thuận về nghĩa của các từ ngữ cụ thể. Ví dụ,
để lý lẽ hóa các phán đoán “Một mét có một trăm xentimét”, “Đối thoại
không phải là một người nói”, bạn có thể viện dẫn lời giải thích (định nghĩa)
có trong từ điển.
3) Dựa trên các phán đoán khác đã được công nhận là đúng hoặc đã được
công nhận là có cơ sở hợp lý. Kiểu lý lẽ hóa này luôn là quá trình suy luận
nhất định. Ví dụ, phán đoán “Bây giờ trời nóng” có thể được lý lẽ hóa dựa
trên cơ sở cảm giác. Nhưng phán đoán này cũng có thể được lý lẽ hóa dựa
trên cơ sở suy luận như: Bây giờ là mùa hè, mà mùa hè thì luôn có nhiệt độ
cao nhất trong năm.