luật, quy tắc lôgích. Nói cách khác, trong suy luận diễn dịch đúng, tính chân
lý của tiền đề luôn bảo đảm tính chân lý của kết luận mà không cần phải
dùng các phương tiện khác để có kết luận như linh tính, thực hiện thí
nghiệm, thực nghiệm.
Thực tế cuộc sống, công việc cho thấy, trong suy nghĩ và giao tiếp, người
ta không hay dùng suy luận diễn dịch dưới dạng đầy đủ. Thường thường các
phán đoán tiền đề không được trình bày hết mà chỉ một số. Những phán
đoán tiền đề còn lại bị bỏ qua, đặc biệt, những phán đoán tiền đề được coi là
đã biết một cách rộng rãi (ai cũng biết). Ở đây, cần có sự hiểu ngầm về các
phán đoán tiền đề bị bỏ qua. Ngay cả các kết luận rút ra từ các phán đoán
tiền đề, nhiều khi, cũng không được phát biểu một cách rõ ràng. Còn cách
lập luận (mối liên hệ lôgích giữa tiền đề và kết luận) chỉ thỉnh thoảng mới
được đánh dấu bằng những từ, tương tự như các từ “cho nên”, “có nghĩa
là”. Không hiếm trường hợp, suy luận diễn dịch bị rút gọn đến mức, người
thực hiện và người tiếp nhận không phải dễ dàng khôi phục lại tất cả các bộ
phận, mối liên kết của toàn bộ quá trình diễn dịch.
Điều này có thể hiểu được vì, thực hiện đầy đủ suy luận diễn dịch mà
không rút gọn, không bỏ qua bất kỳ yếu tố, mối liên kết nào, là công việc
nặng nề, mất nhiều thời gian. Chưa kể, do những lý do tế nhị, người nào
trình bày đầy đủ, nhiều khi, bị quy kết là sách vở, quá cầu toàn hoặc có thái
độ coi thường trình độ của người tiếp nhận.
Do vậy, mỗi khi có nghi ngờ về tính lý lẽ hóa chặt chẽ của kết luận, bạn
cần rà soát lại từ đầu quá trình suy luận diễn dịch và cố gắng khôi phục lại
nó càng đầy đủ càng tốt. Nếu không làm điều đó, bạn sẽ khó, thậm chí
không phát hiện ra sai lầm mà bạn hoặc người đối thoại đã phạm phải.
Các sơ đồ (công thức) suy luận diễn dịch đúng (kể cả tam đoạn luận
kiểu “Mọi người đều phải chết; Socrates là người, vậy, Socrates phải
chết”) có nhiều (xem lại các phần trước, ví dụ, Hình 95: Quan hệ giữa
các phán đoán cơ bản (hình vuông lôgích hay còn gọi là hình vuông