mọi người mà ông ta có quan hệ”, “Anh A là người chuyên môn nói dối”
đều có thể tìm được các ngoại lệ, do vậy, kết luận là sai về mặt lôgích.
Chính xác hơn, cần phải nói là: “Phần lớn phụ nữ thích diện” hoặc
“Nhiều phụ nữ thích diện”; “Thủ trưởng X thường nóng tính với những
người mà ông ta có quan hệ”; “Anh A đã vài lần nói dối”.
Các kết luận khái quát nói chung, các quy luật khoa học nhận được nhờ
quy nạp không hoàn toàn nói riêng, chưa phải là những chân lý đầy đủ.
Chúng còn phải trải qua con đường dài và phức tạp để thực tiễn kiểm tra
một cách trực tiếp hoặc/và gián tiếp. Có thể nói, hầu như tất cả các phán
đoán chung, kể cả các quy luật khoa học là kết quả của suy luận quy nạp.
Bản thân quy nạp chưa đủ bảo đảm tính chân lý của các phán đoán chung,
nhưng nó đưa ra được các giả thuyết, từ đó người ta có thể làm các thí
nghiệm (thực nghiệm) để kiểm chứng theo nguyên tắc thực tiễn là tiêu
chuẩn của chân lý. Trong ý nghĩa này, quy nạp là cơ sở của toàn bộ tri thức
loài người.
Nói chung, suy luận quy nạp không chỉ là suy luận từ cái riêng đến cái
chung mà bao gồm tất cả các suy luận đi từ những hiểu biết đúng, đã biết,
đến những hiểu biết mới đúng với một xác suất nhất định. Do vậy, suy luận
tương tự (phép tương tự) và suy luận tìm nguyên nhân của các hiện tượng
(suy luận phát hiện mối quan hệ nhân–quả) cũng được xem là suy luận quy
nạp. Chúng được trình bày tiếp theo dưới đây.
Suy luận tương tự là quá trình lập luận đi từ tiền đề – sự giống nhau
giữa hai (hoặc một số) đối tượng về (một số) dấu hiệu nào đó, đến kết
luận – sự giống nhau giữa chúng cả (các) dấu hiệu khác. Các dấu hiệu
được hiểu theo nghĩa rộng nhất như hình dạng, tính chất, các mối quan
hệ... Trong suy luận tương tự, hiểu biết (phán đoán) nhận được nhờ
nghiên cứu tốt đối tượng này, chuyển sang cho đối tượng khác còn ít
được nghiên cứu hơn. Suy luận tương tự có thể bắt gặp rộng rãi trong
đời sống, công việc. Dưới đây là một số ví dụ minh họa suy luận tương
tự: