3) Nguyên tắc kết hợp sự giống nhau và khác nhau
Nguyên tắc này kết hợp hai nguyên tắc vừa trình bày là nguyên tắc giống
nhau duy nhất và nguyên tắc khác nhau duy nhất.
Nếu như có từ hai trường hợp trở lên, khi hiện tượng được nghiên cứu bắt
đầu xảy ra, đều giống nhau về một cái gì đó; đồng thời, có từ hai trường hợp
trở lên, khi hiện tượng được nghiên cứu không xảy ra, chỉ khác nhau bởi cái
đó không có, thì cái đó là nguyên nhân của hiện tượng được nghiên cứu.
4) Nguyên tắc cùng thay đổi
Nếu như cùng với sự thay đổi hiện tượng này, có sự thay đổi hiện tượng
khác, còn những cái khác vẫn giữ nguyên, thì giữa hai hiện tượng nói trên có
mối quan hệ nhân–quả.
Công thức nguyên tắc cùng thay đổi có dạng:
a) Trong các điều kiện A, B, C; có X.
b) Trong các điều kiện làm thay đổi A, không thay đổi B, C; có sự thay
đổi của X.
Do vậy, A có khả năng là nguyên nhân của X.
Ví dụ, khi thay đổi nhiệt độ của chất khí, vẫn giữ cho áp suất không thay
đổi, thể tích của chất khí thay đổi. Chúng ta có thể kết luận về quan hệ
nhân–quả giữa nhiệt độ và thể tích chất khí.
5) Nguyên tắc phần còn lại
Nếu như nguyên nhân phức tạp tạo ra kết quả phức tạp và đã biết rằng,
một phần nguyên nhân tạo ra một phần nhất định kết quả, thì phần còn lại
của nguyên nhân là nguyên nhân của phần còn lại của kết quả.
Công thức của nguyên tắc phần còn lại có dạng:
Hiện tượng phức tạp AB là nguyên nhân của hệ quả phức tạp XY. B là
nguyên nhân của Y.
Suy ra, A là nguyên nhân có thể của X.